Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

TIẾNG GỌI YÊU THƯƠNG - Lm Anthony de Mello - SUY NIỆM 4


SUY NIỆM 4 – PHẢI TÌM HIỂU CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ CÀI ĐẶT

“Và anh thanh niên ấy bỏ đi vì tiếc tài sản kếch sù của mình” (Mc 10,22).

Bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng bạn đã được lập trình (cài đặt) để sống bất hạnh và vì thế, dù bạn có làm gì để hạnh phúc, bạn cũng cứ thất bại?
Tương tự như máy của bạn đã được nhập đầy các phương trình toán học, nên mỗi khi bạn gõ phím để lấy ra những câu thơ của Shakespeare, bạn đều thất bại.

Nếu muốn hạnh phúc thì điều trước tiên bạn cần làm không phải là nỗ lực, cũng không phải là có thiện chí hay có những ước muốn tốt, mà hiểu rõ bạn đã bị lập trình chính xác như thế nào. Sự việc ấy như sau:

1. Trước hết xã hội và văn hoá đã dạy bạn tin rằng mình không thể nào hạnh phúc mà không có một số người và một số điều
. Thử nhìn chung quanh bạn: đâu đâu người ta cũng tìm cách xây dựng cuộc đời dựa trên một niềm tin không bao giờ xét lại rằng nếu không có một số điều kiện như tiền bạc, quyền lực, thành công, sự tán thưởng, danh tiếng, tình yêu, tình bạn, linh đạo, Thượng Đế thì người ta không thể hạnh phúc. Còn quan niệm riêng của bạn là gì?

2. Một khi đã tiếp nhận niềm tin ấy, tự nhiên bạn sẽ quyến luyến người này hay vật kia mà bạn cho là nếu thiếu thì không thể hạnh phúc.

3. Sau đó, bạn ra sức có cho bằng được điều quí giá hay con người quí báu ấy, rồi khi đã có thì bám chặt lấy, đồng thời dẹp hết mọi khả năng đánh mất người ấy hay điều ấy.

4. Rốt cuộc bạn trở nên lệ thuộc trong tình cảm, tới mức đối tượng bạn quyến luyến ấy như có ma lực thu hút bạn một khi bạn có đối tượng ấy, làm bạn phải lo lắng mỗi khi có nguy cơ đánh mất đối tượng ấy và trở nên khổ sở mỗi khi bị mất đối tượng ấy.

Bây giờ hãy dừng lại một lát; bạn sẽ hốt hoảng khi thấy có cả một danh sách dài lê thê các điều mà lâu nay bạn đã nô lệ. Hãy nghĩ đến những sự việc và con người cụ thể, chứ không phải là những sự việc và con người trừu tượng…

Một khi các điều mình quyến luyến đã kềm kẹp được bạn, bạn sẽ bắt đầu thu hết sức lực để lúc nào cũng tìm cách sắp xếp lại thế giới chung quanh mình, sao cho mình có thể nắm bắt được và giữ gìn được những điều mình tha thiết.

Đây là một công việc tốn hơi sức, sẽ làm bạn chỉ còn chút ít nghị lực để sống và để hưởng cuộc sống cách đầy đủ. Nhưng đó cũng là một công việc bất khả thi trong một thế giới luôn biến chuyển mà bạn không tài nào có thể kiểm soát.

Thế nên, thay vì sống một cuộc sống thanh thản và sung mãn, bạn đã khiến mình phải sống một cuộc sống đầy sự vỡ mộng, lo âu, bất an, căng thẳng và hồi hộp.

Quả thật là có một vài lúc ngắn ngủi thế giới như chịu theo những nỗ lực của bạn và tự sắp xếp cho hợp với ước muốn của bạn. Trong chốc lát, bạn cảm thấy hạnh phúc. Hay đúng hơn, bạn cảm thấy khoan khoái vụt loé lên, nhưng đó không phải là hạnh phúc vì kèm theo sự khoan khoái ấy bạn cảm thấy có một nỗi lo sợ sâu xa rằng bất cứ lúc nào cái thế giới của những sự việc và con người ấy – mà bạn đã cực nhọc sắp xếp – cũng có thể vượt ra khỏi sự kiểm soát của bạn, làm bạn thất vọng – một điều mà không sớm thì muộn sẽ xảy ra.

5. Và đây là một điều nữa cần cân nhắc: mỗi khi bạn lo lắng hay sợ sệt, đó chẳng phải là vì bạn không nắm bắt được điều mình tha thiết hay sao? Và mỗi khi bạn cảm thấy ghen tương, đó chẳng phải là vì có người nào đó cướp mất điều bạn tha thiết hay sao? Và chẳng phải là hầu như mọi sự giận dữ của bạn đều xuất phát từ chỗ có ai đó ngăn cản bạn nắm lấy điều mình tha thiết hay sao? 

Chẳng phải bạn trở nên đa nghi mỗi khi thấy điều mình tha thiết bị đe doạ hay sao – bạn lại không thể nào suy nghĩ một cách khách quan: đó có thể là do toàn bộ cái nhìn của bạn đã bị thiên lệch? Mỗi khi bạn cảm thấy buồn chán, đó chẳng phải là bạn không được cung cấp đủ cái mà bạn cho là sẽ làm mình hạnh phúc, không cung cấp đủ điều mình đang tha thiết hay sao?

Và mỗi khi bạn suy sụp và khổ sở, ai cũng thấy rõ nguyên nhân là vì cuộc sống đã không cho bạn cái mà bạn tin là không thể hạnh phúc nếu không có. Hầu như mọi cảm xúc tiêu cực của bạn đều là hậu quả trực tiếp của sự tha thiết.

Thế là bạn phải oằn lưng vác lấy đủ điều mình tha thiết – và ra sức tìm hạnh phúc bằng cách ôm chặt gánh nặng ấy. Một suy nghĩ thật ngu xuẩn.

Điều bi đát là đó lại chính là phương pháp duy nhất mọi người đã được chỉ vẽ để mưu tìm hạnh phúc – một phương pháp chỉ đem lại lo lắng, thất vọng và hối tiếc.

Hầu như chẳng ai được nói cho biết sự thật này: muốn hạnh phúc thật sự thì chỉ có một điều duy nhất cần làm là xoá chương trình bị cài đặt, là giải gỡ mình ra khỏi những sự tha thiết ấy.

Khi va vấp trước sự thật hết sức hiển nhiên ấy, người ta thường hốt hoảng vì nghĩ rằng mình sẽ phải đau khổ lắm nếu phải bỏ đi những sự tha thiết ấy. Nhưng quá trình ấy không hề đau đớn. Ngược lại…

Giải gỡ mình khỏi những quyến luyến ràng buộc là một công việc hết sức thích thú, nếu phương tiện bạn dùng để làm việc ấy không phải là sức mạnh của ý chí, cũng không phải là sự từ bỏ, mà là sự kiến ngộ.

Tất cả những gì bạn cần làm là:
a. Mở mắt và nhìn xem mình không thực sự cần cái mình đang quyến luyến ràng buộc;
b. Ý thức rõ mình đã bị cài đặt chương trình, đã bị tẩy não để cho rằng mình không thể hạnh phúc hay không thể sống mà không có người ấy, điều ấy.

Hãy nhớ bạn đã một lần đau khổ thế nào, bạn đã một lần cho rằng mình sẽ không bao giờ có lại hạnh phúc vì đã mất người này hay vật kia mà mình hết sức quí mến? Thế rồi điều gì đã xảy ra? Thời gian trôi qua và bạn đã học được cách sống vui vẻ trở lại, không đúng sao? 

Lẽ ra điều ấy phải cảnh giác bạn về sự giả dối trong những điều mình tin tưởng, về cái trò ma mãnh mà bộ óc bị cài đặt đã chơi bạn.

Một điều mình quyến luyến không phải là một điều có thực, đó chỉ là điều mình tin như thế, điều mình tưởng tượng như thế trong đầu mình, do mình đã được cài đặt.

Nếu như điều tưởng tượng ấy không được đưa vào đầu mình, hẳn bạn đã không quyến luyến. Bạn sẽ yêu quí những sự vật và con người, sẽ tận hưởng chúng, nhưng vì không có niềm tin ấy bạn sẽ tận hưởng chúng mà không quyến luyến chúng.

Thực tế mà nói, có cách nào khác để tận hưởng cuộc đời không?

6. Bây giờ hãy duyệt lại tất cả những sự tha thiết của bạn. Và mỗi khi nhìn tới đâu, bạn hãy nói: “Tôi không quyến luyến bạn thật sự đâu. Tôi chỉ tự đánh lừa mình mà cho rằng không có bạn tôi sẽ không hạnh phúc”.

Hãy chân thành làm việc này và bạn sẽ thấy nơi mình có những thay đổi: “Tôi không quyến luyến bạn thực sự đâu. Tôi chỉ tự đánh lừa mình mà cho rằng không có bạn tôi sẽ không hạnh phúc”.

Tác giả: Anthony de Mello, dòng Tên

Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét