Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

ĐỨC DŨNG CỦA NAM NHI - Lm Pio Ngô Phúc Hậu


ĐỨC DŨNG CỦA NAM NHI

EM.

Mẹ Em đã đến khóc với tôi. Tất cả chỉ vì Em.
– Bây giờ con không còn khả năng để dạy con của con nữa. Nó coi con không ra gì.
– Con của chị ngoan lắm mà.
– Hồi còn bé nó rất ngoan, bây giờ nó bắt đầu hư. Hôm qua nó ăn cắp tiền. Con bắt nó nằm xuống, nó nằm thẳng băng như khúc gỗ. Con đánh mười roi. Nó không xin bớt, không xuýt xoa, không gồng mình, không khóc. Con đánh xong, nó đứng phắt dậy, cười hề hề: “Mẹ đánh như gãi ngứa”. Nói rồi nó bỏ đi một mạch… Chồng con phải bươn chải đây đó, có khi cả tháng chưa về một lần. Cực khổ như vậy mà vẫn chưa đủ ăn, thì còn giờ đâu để ngó ngàng đến con cái. Một mình con phải lo dạy dỗ nó.Nói thì nó không nghe. Đánh thì nó chê là gãi ngứa. Con không biết phải làm gì bây giờ. Xin cha cầu nguyện cho gia đình con.


–Con của chị chưa hư đâu. Nó bắt đầu làm người đàn ông đấy. Chỉ tiếc là nó đang ở giai đoạn quá độ: Ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, cứ ngang ngang như cua bò. Nó không khinh dể chị đâu. Nó vẫn thương chị, nhưng nó không sợ chị nữa. Con trai nó vậy đấy…

Mẹ Em an tâm dắt xe ra về. Nhưng dường như nỗi lo vẫn còn đó, vì hai bánh xe lăn chậm chạp bên cạnh bà chủ thả bộ nhẩn nha. Còn tôi thì cười thầm trong bụng. Tôi cười mẹ Em, vì mẹ Em quá lo cái chẳng đáng lo. Tôi cười Em, vì Em ngạo nghễ một cách vô tâm vô tình.

Em

Mẹ Em là phụ nữ, sống bằng tình cảm nhiều hơn bằng lý trí. Chính Chúa đã an bài như thế, để Em được ủ ấp qua suốt tuổi thơ. Sữa và tình yêu là sản phẩm thiết yếu của tuổi thơ. Thiếu tình yêu bao la của mẹ, Em không thể trở thành một người bình thường được mà có nguy cơ trở thành con thú hung dữ. Em hãy cám ơn Chúa và biết ơn mẹ Em về tình yêu ấy. Nhưng bây giờ tình mẫu tử không còn là nhu cầu bức xúc nữa. Em bắt đầu trở thành người đàn ông, sống bằng lý trí nhiều hơn bằng tình cảm. Em thích làm cái dù che mát cho người ta, chứ không muốn người ta che dù cho mình. Vì thế mà Em không xin Mẹ giảm thiểu hình phạt. Van xin là yếu đuối. Em không sợ mẹ, vì sợ là hèn nhát. Em ngạo nghễ chê mẹ đánh như gãi ngữa, vì đó là anh hùng tính của nam nhi. Tôi biết có những bạn trẻ cầm than hồng trong tay và ngửi mùi khét của da thịt mình, vì muốn làm người hùng kiểu A-léc-xăng Đại Đế. Và chỉ có con trai mới chơi những trò như vậy.

EM

Em là con trai thì hãy:
“ Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài tan”.

Làm trai thì phải hào hùng. Dũng là nhân đức nhân bản và căn bản của đàn ông. Dũng là căn tính của Em. Nhưng Dũng không có nghĩa là ngạo nghễ cười vào mũi mẹ. Tôi hiểu rằng những cái nhỏ nhặt của phụ nữ không chiếm được lòng ngưỡng mộ của Em. Em không sợ mẹ là vì thế. Em không kính phục mẹ là vì thế. Nhưng Em không nên coi thường nỗi đau của mẹ. Em không muốn mẹ là cái dù che cho Em, thì Em hãy là cái dù che cho mẹ, bao bọc mẹ và nâng niu mẹ. Thế mới là cái Dũng của đàn ông.

Dũng không phải là đánh lộn, không sợ chết.
Dũng cũng không phải là liều mạng đua xe không có thắng.
Dũng không phải là trò cướp giật trước mũi công an…
Những cái đó chỉ là mặt trái của đức Dũng mà thôi.

Em chỉ mới bắt đầu làm đàn ông.
Đức Dũng mới chỉ nảy mầm trong Em.
Em còn phải vun xới để nó lớn lên tới tầm mức viên mãn:

Em phải có ý chí mạnh, nghĩa là khó khăn nào cũng vượt qua, không bao giờ lười biếng. Một nhà tâm lý đề nghị: “Mỗi ngày bạn nên làm một vài việc bạn không thích. Như thế bạn sẽ có nghị lực chống lại những cám dỗ bất ngờ”. Khuynh hướng xấu trong ta dường như nhiều hơn khuynh hướng tốt. Thiếu nghị lực chiến đấu, ta sẽ đè bẹp bởi đủ mọi thứ tội lỗi.
Em phải tập để có tinh thần trách nhiệm cao. Bổn phận nào cũng phải chu toàn. Làm con Chúa, làm con cha mẹ, làm anh em, làm học trò, làm công dân… Tất cả đều là những bổn phận phải chu toàn. Phải can đảm lắm mới làm trọn bấy nhiêu bổn phận. Đó là cái Dũng của Em.
Em phải mở mang kiến thức không ngừng, xứng đáng với sứ mạng làm con trai, nghĩa là “phải có danh gì với núi sông”. Em phải có quyết tâm không bao giờ đến trường mà chưa thuộc bài. Tôi có một ông bạn hồi còn học lớp sáu lớp bảy, ông học chẳng bằng ai – Ông chẳng hiểu gì về đại số. Ông không đủ khả năng sinh ngữ để đọc sách giáo khoa. Tức khí, ông bèn quyết tâm dùi mài. Áo có hai túi, thì một túi dành cho công thức toán lý hoá.
Túi kia dành cho ngữ vựng tiếng Pháp – Mỗi ngày năm ngữ vựng viết trên một tờ giấy nhỏ, bỏ vào túi. Lâu lâu lại mang ra đọc một lượt. Đi cầu cũng đọc. Công thức toán lý hoá thì viết vào một tờ giấy nhỏ, bỏ vào túi bên kia và cũng đọc nhiều lần như ngữ vựng… Ông kiên trì như thế suốt một năm. Khi lên lớp tám thì ông đã đủ khả năng đọc sách báo bằng Pháp ngữ. Về toán lý hoá thì ông đi trước bạn bè một cấp, nghĩa là khi ngồi lớp tám, thì ông học toán lý hoá của lớp chín.

Trí khôn chỉ minh mẫn trong một thân thể cường tráng. Do đó Em phải kiên trì tập thể dục và say mê một môn thể thao nào đó. Tuổi trẻ thường chỉ trích thể thao, vì thể thao đem lại nhiều vinh dự. Tuổi trẻ không thích thể dục, vì thể dục âm thầm lặng lẽ và khiêm nhu không đem lại hào quang vinh dự. Dũng chính là kiên trì xây dựng sức khoẻ và sức chịu đựng. Thiếu đức Dũng, Em sẽ bỏ cuộc dở chừng. Đó là bán đồ nhi phế và là bạc nhược, là không xứng với nam nhi.
EM.

Tôi chờ để thấy Em là một người đàn ông chân chính, có nghị lực, có uy tín, có địa vị. Tôi chờ để thấy Em là niềm hãnh diện của cha mẹ. Tôi chờ để thấy Em là niềm vinh dự cho vợ và cho con. Tất cả bấy nhiêu thành tựu đều là con đẻ của đức Dũng. Dũng là căn tính của Em…

(nguồn: Viết cho em – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét