Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

LẮNG NGHE NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ


Lắng nghe những điều giản dị

Hãy bỏ tất cả những ưu phiền của hạn vào một chiếc túi lủng.
Old Postcard

Cách đây không lâu, tôi đã rơi vào một giai đoạn rất tồi tệ trong cuộc sống mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Khi đó, với tôi mọi thứ đều trở nên chán chường và tẻ nhạt, sức khoẻ giảm sút - ngọn lửa nhiệt tình và hăng hái đã tắt ngấm. Điều đó tác động thật đáng sợ đến cuộc sống và công việc của tôi. Mỗi sáng, tôi nghiến chặt răng lại tự nhủ: Hôm nay, cuộc sống tiếp tục trồi theo lối mòn của nó đấy. Mình phải vượt qua nó. Nhất định mình phải làm như thế!

Nhưng rồi chuỗi ngày nhàm chán vẫn kéo dài, và tình trạng tê liệt, không lối thoát ấy dường như ngày một tệ hơn. Đã đến lúc tôi biết mình cần phải nhờ giúp đỡ.

Tôi đã đến gặp một bác sĩ. Ông ta lớn tuổi hơn tôi và trông có vẻ cộc cằn. Tuy nhiên, tôi không ngờ đằng sau vẻ bề ngoài không mấy thiện cảm kia là một con người rất uyên thâm và từng trải. Tôi kể với vị bác sĩ một cách đau khổ, rằng dường như tôi bị bế tắc.
- Liệu bác sĩ có thể giúp tôi không?
- Tôi không biết.
Vị bác sĩ chậm rãi trả lời, rồi chống tay nhìn chằm chằm vào tôi một lúc lâu. Đột nhiên ông hỏi:
- Hồi còn bé, anh thích nơi nào nhất?
- Tôi nghĩ là ở bãi biển. Gia đình tôi có một ngôi nhà nghỉ bên bờ biển. Cả nhà đều thích nó.

Vị bác sĩ nhìn ra ngoài cửa sổ, đưa mắt theo mấy chiếc lá thu rơi rụng rồi hỏi tiếp.
- Thế anh có thể làm theo lời tôi nói trong cả một ngày không?
- Tôi nghĩ là được. Tôi sốt sắng trả lời.
- Được rồi. Tôi muốn anh làm như vầy...

Theo lời vị bác sĩ, hôm sau tôi phải lái xe đến bãi biển một mình và không được đến trễ quá 9 giờ sáng. Tôi có thể ăn trưa, nhưng không được đọc, viết, nghe đài hay nói chuyện với bất kỳ ai. Thêm nữa, ông ta nói:
- Tôi sẽ đưa cho anh một toa thuốc, cứ cách 3 giờ thì dùng một lần.

Rồi ông lấy một tờ giấy trắng xé thành bốn mảnh, viết vài chữ lên mỗi mảnh, gấp lại và đánh số rồi trao chúng cho tôi.
- Anh hãy dùng những liều thuốc này vào lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 6 giờ tối theo số thứ tự.
- Bác sĩ nói nghiêm túc đấy chứ ạ? - Tôi ngỡ ngàng hỏi.

Vị bác sĩ bật cười:
- Anh sẽ không nghĩ là tôi đang đùa khi tôi lấy tiền khám bệnh của anh.

Sáng hôm sau, với niềm tin nhỏ nhoi về phương thuốc của vị bác sĩ, tôi lái xe đến bãi biển một mình đúng như lời ông dặn. Một ngọn gió đông bắc thổi qua, mặt biển trông xám xịt và những cơn sóng vỗ ầm ào như giận dữ. Tôi ngồi trong xe, phía trước là cả một ngày dài đằng đẵng và trống rỗng. Rồi tôi mở mảnh giấy thứ nhất ra xem. Trên đó là hàng chữ: "Hãy chãm chú lắng nghe".

Không thể hiểu nổi! Chắc vị bác sĩ đó điên mất rồi! Ông ta đã cấm tôi nghe nhạc, đọc báo và tiếp xúc với những người khác rồi, còn cái gì khác nữa để mà nghe cơ chứ?

Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định làm theo lời ông. Tôi ngẩng đầu lắng nghe. Chẳng có âm thanh nào ngoài tiếng sóng vỗ ầm ầm đều đặn, tiếng kêu léc chéc của con mòng biển, và tiếng ầm ì của vài chiếc máy bay trên bầu trời. Những âm thanh thật quen thuộc!

Tôi ra khỏi xe. Một cơn gió mạnh làm chiếc cửa đóng sập vào. Tôi tự hỏi: Phải chăng vị bác sĩ đề nghị tôi phải chú ý lắng nghe những âm thanh đó?

Tôi leo lên một đụn cát và nhìn ra phía xa xa của bãi biển hoang vắng. Ngồi ở đây tôi nghe thấy tiếng sóng biển gầm thét lớn hơn, át cả những âm thanh khác. Và đột nhiên tôi nghĩ, hẳn phải có những âm thanh khác nữa bên dưới những tiếng sóng đó - tiếng soạt nhẹ của cát trồi giạt, tiếng thì thầm của gió trong đám cây dại mọc ở cồn cát - nếu như người nghe thật chăm chú.

Như bị thôi thúc, tôi nhảy xuống biển và ngụp lặn trong làn nước. Bỗng thấy buồn cười về hành động của mình, tôi chúi đầu vào đám rong biển. Ngay lúc ấy, tôi khám phá ra rằng: nếu chú tâm lắng nghe, ta còn có thể nghe được những khoảnh khắc khi mà tất cả mọi thứ đều ngừng lại như chờ đợi. Trong khoảnh khắc yên lặng đó, mọi suy nghĩ trong đầu ta đều ngưng đọng và tâm trí ta được nghỉ ngoi.

Tôi trở lại xe và nằm thượt sau tay lái, tiếp tục chăm chú lắng nghe. Khi tôi nghe lại lần nữa tiếng gầm vang lên từ sâu thẳm trong lòng đại dương, tôi thấy mình đang nghĩ về sự thịnh nộ của những cơn giông tố nổi lên ngay chính trong lòng những cơn sóng. Sau đó tôi nhận ra mình đang nghĩ đến những thứ còn to lớn hơn cả chính bản thân tôi - và lòng tôi thấy khuây khỏa với những ý nghĩ ấy.

Cứ như thế, buổi sáng trôi qua rất chậm chạp. Thói quen ném mình vào một vấn đề rắc rối đã in sâu vào tôi đến nỗi tôi cảm thấy mình bị chìm nghỉm nếu không có nó.

Đến trưa, trời quang đãng không một gợn mây, mặt biển như đang tỏa sáng lấp lánh. Tôi mở mảnh giấy thứ hai. Một lần nữa, tôi lại thấy nửa vui nửa cáu. Liều thuốc thứ hai là: "'Cố gắng tìm về ký ức... "

Ký ức gì nhỉ? Hiển nhiên là những ký ức đẹp trong quá khứ rồi. Nhưng tại sao lại phải như thế chứ, khi tất cả những lo lắng của tôi đều liên quan đến hiện tại hay tương lai?

Tôi rời xe và bắt đầu đi dọc theo những đụn cát. Vị bác sĩ đã giúp tôi trở lại bãi biển này, nơi ghi dấu biết bao ký niệm hạnh phúc thời thơ bé của tôi. Đó có lẽ là những gì mà ông đề nghị tôi tìm lại - những niềm vui và hạnh phúc chất ngất mà tôi đã bỏ quên lại sau lưng.

Tôi quyết định sẽ làm sống lại những giây phút đã nhạt nhòa ấy. Tôi sẽ tô màu và làm sắc lại bức tranh hạnh phúc của quá khứ. Tôi sẽ chọn những gì cụ thể và vẽ lại thật chi tiết. Tôi sẽ hình dung những con người trong bức tranh ấy ăn mặc và vui đùa như thế nào. Tôi sẽ tập trung lắng nghe chính xác âm thanh giọng nói cũng như tiếng cười của họ.

Thủy triều đang xuống dần, nhưng tiếng sóng vẫn vỗ ầm ầm. Tôi chọn quay lại thời điểm của chuyến đi câu cá cuối cùng của tôi với đứa em trai 20 năm về trước. Nó đã tử trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi nhắm mắt và thật sự cố gắng, tôi có thể nhìn thấy hình ảnh em tôi sống động đến ngạc nhiên, thậm chí tôi còn nhìn thấy cả nét hóm hỉnh và sự hăm hở trong mắt nó.

Thật ra tôi đã thấy toàn cảnh bức tranh ngày hôm đó: mặt biển lấp lánh, ánh bình minh ló dạng trên bầu trời phía đông, những đợt sóng cuồn cuộn đánh vào bờ một cách oai vệ và chậm chạp. Tôi cảm thấy những dòng nước xoáy ngược ấm áp vây quanh đầu gối, chiếc cần câu của em tôi đột nhiên nảy lên khi một con cá bị dính mồi, và tôi nghe tiếng la mừng rỡ của nó. Tôi đã họa lại bức tranh ấy từng mảng một, rất rõ ràng và không một thay đổi sau bao năm tháng. Rồi những hình ảnh ấy trôi qua...

Tôi đứng dậy một cách chậm chạp cố gắng tìm về quá khứ của mình. Những người hạnh phúc luôn là những người tự tin và quả quyết. Nếu bạn thong thả quay lại tìm và chạm tay tới những điều hạnh phúc, lẽ nào không tìm thấy một chút sức mạnh?

Giai đoạn thứ hai trong ngày đã trôi qua nhanh chóng. Khi mặt trời bắt đầu chếch bóng, tâm trí tôi hăm hở đi trên cuộc hành trình về quá khứ, sống lại những khoảnh khắc, phát hiện ra những con người mà tôi đã hoàn toàn lãng quên. Những năm qua, tôi đã nhớ thêm rất nhiều sự kiện nhưng đã vô tình để những hạnh phúc trong quá khứ bị cuốn theo dòng thời gian. Một cảm giác ấm áp chợt dâng lên trong lòng tôi, lúc đó tôi hiểu rằng chẳng có lòng tốt nào là lãng phí hay có thể mất đi ý nghĩa của nó cả.

Đến ba giờ chiều, nước đã xuống và âm thanh của những con sóng giờ chỉ là một lời thì thầm theo nhịp. Biển như một gã khổng lồ đang thở. Những đụn cát giờ như đã là tổ ấm của tôi. Tôi cảm thấy thư giãn, hài lòng và hơi tự mãn. Những liều thuốc của vị bác sĩ thật dễ uống.

Nhưng tôi chưa sẵn sàng uống liều thuốc thứ ba. Lời yêu cầu lần này không phải nhẹ nhàng. Chúng giống như một mệnh lệnh hơn: "Xem lại động cơ của mình''.

Phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc những lời ấy là phải tự thanh minh cho mình. Những động cơ của tôi chẳng có gì là xấu, tôi tự nhủ. Tôi muốn thành công - ai mà chẳng thế? Tôi muốn được công nhận, nhưng những người khác cũng như tôi thôi. Tôi muốn được yêu thương, được an toàn hơn - và tại sao lại không như thế chứ?

Có lẽ, một tiếng nói nhỏ vang lên đâu đó trong đầu tôi, những động cơ đó không hoàn toàn trong sáng. Có lẽ đó chính là lý do tại sao tôi bế tắc.

Tôi cúi xuống, với lấy một nắm cát rồi để nó rơi qua những kẽ tay mình. Trong quá khứ, những điều tôi làm tốt luôn xảy đến một cách tự nhiên, không hề dự tính trước. Gần đây, thay vào đó là sự toan tính, được chuẩn bị ký lưỡng nhưng mọi việc lại không suôn sẽ. Tại sao? Bởi tôi đã nhìn xa hơn bản thân công việc, tôi chỉ nghĩ đến những phần thưởng mà tôi hy vọng nó sẽ mang lại. Và công việc chỉ đứng một chỗ, nó đã trở thành một phương tiện chỉ để kiếm tiền. Cảm giác cho đi điều gì đó, giúp đỡngười khác, cống hiến... đã bị mất hút trong sự hối hả nắm lấy lợi ích cho bản thân mình.

Thoáng chốc, tôi nhận ra một điều chắc chắn rằng, nếu động cơ của một người thiếu đi sự trong sáng thì tất cả những gì còn lại đều không có kết quả. Dù bạn là một người đưa thư, thợ hớt tóc, một người bán bảo hiểm, một ông bố luôn ở nhà hay một bà nội trợ thì cũng chẳng có gì khác nhau. Chỉ khi bạn cảm thấy mình đang phục vụ cho người khác, bạn mới thực hiện tốt công việc được. Còn nếu chỉ quan tâm đến những gì mình sẽ đạt được, hiệu quả công việc của bạn sẽ giảm đi. Đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống.

Tôi ngồi một lúc lâu. Phía xa kia, tiếng sóng vỗ rì rào đã chuyển thành tiếng gầm do thủy triều lên. Sau lưng tôi, những tia nắng cuối cùng của một ngày đang gần như khuất dạng dưới đường chân trời. Một ngày ở biển của tôi đã gần kết thúc, tôi cảm thấy khâm phục đến ghen ty vị bác sĩ và những liều thuốc mà ông đã cho tôi, chúng quá lạ lùng và lại giản dị đến bất ngờ. Giờ đây tôi đã thấy đó là những liều thuốc giá trị cho bất cứ ai đang phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào.

Chăm chú lắng nghe: để bình tĩnh và làm dịu đi một tâm trí điên rồ, chuyển sự tập trung từ những điều bên trong ra bên ngoài.

Cố gắng tìm về quá khứ: bởi trí óc con người chỉ có thể lưu một ý nghĩ trong một lúc, để xóa đi sự lo lắng hiện tại khi bạn hương về niềm hạnh phúc trong quá khứ.

Xem xét lại động cơ của mình: đây là mấu chốt của việc điều trị. Đánh giá lại, đặt những động cơ của một người ngang bằng với khả năng và lương tâm của người đó. Và bạn cần phải thực tâm khi làm điều này.

Mặt trời phía tây đã ngả sang màu đỏ chói khi tôi lấy ra mảnh giấy cuối cùng. Đọc xong hàng chữ viết trên ấy, tôi đi chầm chậm ra biển. Khi chỉ còn vài mét nữa là đến mép nước, tôi dừng lại và đọc hàng chữ lần nữa: "Viết những ưu phiền lên cát".

Tôi thả mảnh giấy bay đi, cúi xuống nhặt một mảnh vỏ sò vỡ. Dưới vòm trời cao vút, tôi đã viết thật nhiều trên mặt cát, hết nỗi ưu phiền này đến ưu phiền khác... Sau đó tôi quay bước đi và không nhìn lại. Tôi đã viết những ưu phiền của mình lên cát. Và ngoài kia, những con sóng đang tạt vào...

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

KHI BẠN VỘI VÃ


KHI BẠN VỘI VÃ

(Chú thích: Thời điểm trong câu chuyện là năm 1945, khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhất Bản. )

Hai cha con nhà nọ sinh sống bằng nghề làm nông trên một mảnh đất nhỏ ở miền quê. Mỗi năm, họ lại đánh xe bò nhiều đợt lên thành phố gần đó để bán rau quả, những thứ họ tự tay trồng. Ngoại trừ việc cùng danh tánh và sống chung dưới một mái nhà, hai cha con họ hầu như chẳng có điểm gì giống nhau. Người cha luôn bình tâm trước mọi việc còn người con trai thì lúc nào cũng vội vàng.

Một buổi sáng tinh mơ nọ, hai cha con thức dậy, chất hàng lên chiếc xe bò để bắt đầu một cuộc hành trình dài như mọi khi. Anh con trai tính trong đầu rằng nếu họ đi với tốc độ nhanh hơn và không nghỉ qua đêm, chỉ sáng sớm hôm sau họ sẽ tới được chợ. Thế là anh dùng roi liên tục thúc con bò, hối nó bước mau hơn.

- Từ từ thôi, con ạ! - Người cha bảo - Từ tốn sẽ giúp con sống lâu hơn đấy.

- Nhưng nếu chúng ta đến chợ sớm hơn những người khác, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội bán hàng giá cao hơn. - Anh con trai cãi.

Người cha không đáp. Ông kéo sụp chiếc nón xuống che mặt và ngủ tại chỗ của mình. Thấy thế anh con trai càng bực mình và khó chịu, anh cố thúc con bò đi nhanh hơn nữa.

Bốn giờ sau, họ đi ngang qua một ngôi nhà nhỏ. Người cha thức giấc, mỉm cười và nói:

- Tới nhà chú con rồi. Chúng ta ghé vào hỏi thăm chú ấy một tiếng.

- Nhưng chúng ta đã trễ mất gần một giờ rồi. - Con trai ông càu nhàu.
- Trễ thêm vài phút nữa cũng chẳng sao. Chú và bố là chỗ ruột thịt, có mấy khi gặp được nhau đâu. - Người cha chậm rãi đáp. Rồi họ dừng lại và ghé vào ngôi nhà.

Chàng trai trẻ càng sốt ruột và tức tối khi thấy cha và chú ngồi huyên thuyên cười nói. Gần một tiếng sau, hai cha con anh từ giã người chú và tiếp tục lên đường. Lúc này, đến phiên người cha cầm lái. Khi đến một ngã ba, người cha quẹo xe sang phải:
- Đường bên tay trái ngắn hơn mà bố - Người con nói.
- Bố biết, nhưng đường bên tay phải đẹp hơn nhiều.
- Chẳng lẽ bố không biết quý thời giờ à? - Chàng trai trẻ mất kiên nhẫn.
- Ô, bố quý thời giờ lắm chứ! Chính vì thế bố mới muốn ngắm nhìn cảnh đẹp và tận hưởng trọn vẹn mỗi giây phút.

Con đường mà người cha đi có nhiều khúc uốn quanh, băng xuyên qua những đồng cỏ thật đẹp mọc đầy hoa dại và có cả một dòng suối mát trong chảy dọc theo - thế nhưng người con trai đã để lỡ mất dịp ngắm nhìn phong cảnh đẹp ấy. Anh ngồi nhấp nhỏm bên trong xe, lòng bồn chồn và hết sức lo lắng vì sợ đến trễ. Anh cũng không nhận thấy cảnh hoàng hôn hôm ấy mới đẹp làm sao!

Trời sập tối, hai cha con đến một nơi trông như một khu vườn khổng lồ đầy hương sắc. Người cha khoan khoái hít thở hương thơm làm xao xuyến lòng người của những bông hoa, lắng nghe tiếng suối róc rách và đổ xe lại.
- Chúng ta sẽ ngủ lại đây. - ông khoan khoái nói.
- Từ giờ trở về sau con không bao giờ đi cùng với bố nữa. - Anh con trai tức tối nói - Bố thì chỉ thích ngắm hoàng hôn và xem hoa hơn là kiếm tiền!
- Tại sao lại không như thế chứ, đó chẳng phải là những điều đẹp nhất mà từ trước đến giờ con vẫn nói đấy sao?

Vài phút sau, ông thiếp vào giấc ngủ. Trong khi con trai ông nhìn mãi những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, mong cho đêm chóng qua. Đêm như dài vô tận và người con trai chẳng hề chợp mắt.

Trước lúc mặt trời mọc, chàng trai trẻ nhanh chóng đánh thức cha anh dậy. Họ lại tiếp tục đi. Sau khi đi được khoảng một dặm, tình cờ họ gặp một người nông dân đi đường - một người xa lạ - đang cố kéo chiếc xe ra khỏi một vũng lầy.
- Chúng ta giúp ông ấy một tay đi nào. - Người cha già thì thầm.
- Để mất thời gian nữa à? - Chàng trai như muốn nổi đóa lên.
- Con bớt căng thẳng một chút đi, có thể chính con cũng đang bị kẹt vào một vũng lầy nào đó. Chúng ta nên giúp đỡ người khác khi họ cần - đừng quên điều đó con ạ!
Anh con trai dừng xe mà trong lòng hết sức tức giận.

Khi họ giúp người nông dân kia kéo được chiếc xe khỏi chỗ lầy thì đã gần tám giờ sáng. Đột nhiên, có một vùng ánh sáng rất lớn lóe lên như muốn tách đôi bầu trời ra. Sau đó là một âm thanh nghe như tiếng sấm, ở xa phía bên kia ngọn đồi, bầu trời trở nên tối đến.
- Chắc là trong thành phố có mưa dông lớn. - Người cha đoán.
- Nếu chúng ta nhanh chân hơn, có lẽ giờ này chúng ta đã bán gần hết hàng rồi - Người con lầm bầm.
- Bình tĩnh đi... con sẽ sống lâu hơn, và con sẽ tận hưởng cuộc sống được nhiều hơn. - ông già nhẹ nhàng khuyên nhủ con mình.

Khi hai cha con ông đến được ngọn đồi mà trông xuống sẽ thấy toàn cảnh thành phố, trời đã xế chiều. Họ dừng lại và nhìn xuống phía bên dưới một lúc lâu. Không ai nói với nhau một lời nào. Cuối cùng, chàng trai trẻ đặt tay lên vai cha anh rồi nói:
- Con đã hiểu những lời bố nói rồi.

Họ quay chiếc xe lại và bắt đầu trở về nhà, rời xa cái thành phố có tên là Hiroshima của Nhật Bản.

Nguồn : Hạt giống tâm hồn 1

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

GIÁ TRỊ CỦA THỬ THÁCH


Giá trị của thử thách

Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trưởng thành con bướm biết bay.

Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất để nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày và trở thành cây cứng cáp.

Con tằm nào được người ta cắt vỏ kén chui ra mãi mãi bò quẩn quanh cái kén mà không bao giờ thành loài bướm biết bay.

Hạt giống nằm trên mặt đất dễ dàng nảy mầm nhưng sẽ bị bật gốc khi gặp cơn dông tố.


Con người không thể chọn cho mình nơi sinh ra, nhưng có thể tự chọn cho mình một cách sống; rèn luyện cho mình khả năng chịu đựng và bản lĩnh ý chí qua thử thách, khó khăn, bất hạnh và cả thất bại. Thất bại, bất hạnh có thể là điều tuyệt vọng với người này nhưng có thể là may mắn với người khác - tùy vào cách chúng ta đón nhận bằng cách dũng cảm vượt qua hay tự thương thân trách phận mà gục ngã. 

Nguồn : Hạt giống tâm hồn 1 

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

NHỮNG BÀI HỌC CUỘC SỐNG


Những bài học cuộc sống.

Một người đàn ông có bốn cậu con trai. Ông ta muốn dạy cho các con một bài học rằng không nên phán đoán sự việc một cách quá chủ quan. Vì thế ông cho mỗi đứa, từng lượt một, đi tới và quan sát một cây lê ở rất xa.

Cậu con cả ra đi vào mùa đông, cậu hai đi vào mùa xuân, cậu thứ ba đi vào mùa hạ và cậu con út đi vào mùa thu.

Khi tất cả đã đi và trở lại, ông gọi họ lại để mô tả những gì họ thấy.

Cậu con cả nói rằng cái cây rất xấu xí và cong queo

Cậu thứ hai nói rằng không, nó đầy nụ và rất hứa hẹn.

Cậu thứ ba không đống ý; cậu nói nó trĩu quả và nếm rất ngọt, nhìn rất đẹp, đó là chiếc cây xinh xắn nhất cậu từng thấy.

Cậu út không đồng ý với các anh; cậu nói nó chín muồi và trĩu nặng trái, đầy sức sống.

Người đàn ông giải thích với các con rằng tất cả họ đều đúng, bởi vì mỗi người chỉ thấy một màu trong đời cây.

Ông bảo các con rằng các con không thể phán xét một cái cây, một con người, chỉ qua một màu, và bản chất họ ra sao cũng như niềm vui, tình yêu đến từ cuộc sống chỉ có thể đo được vào cuối cùng, khi các mùa đã qua đi.

Nếu bạn từ bỏ khi đang đông, bạn sẽ vụt mất hứa hẹn của mùa xuân, vẻ đẹp của mùa hè và sự chín muồi của mùa thu.

Đừng để nỗi đau của một lúc nào đó phá hủy niềm tin của thời gian còn lại.


Đừng phán xét cuộc sống chỉ bởi một lúc khó khăn. Hãy kiên nhẫn vượt qua những lúc khốn khó và những lúc tươi đẹp hơn chắc chắn sẽ đến vào một lúc nào đó.

(Nguồn: Luôn mỉm cười với cuộc sống – Nhã Nam tuyển chọn)

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

TRUNG THỰC LÀ ĐIỀU TỐT NHẤT


Trung thực vẫn là điều tốt đẹp nhất

Một lần, một vị tổng giám đốc đến từ Ấn Độ, muốn thử nhân viên của mình về các giá trị sống của họ. Ông tuyên bố rằng trong hồ sơ hội thảo của họ sẽ có  một chiếc túi nhựa trong đó chứa một hạt giống. Khi về nhà, họ phải gieo hạt giống vào một chiếc chậu có đất tơi xốp và chăm sóc nó cẩn thận. Ông tổ chức một cuộc thi vào hội thảo sang năm xem cây của ai tươi tốt sẽ được phần thưởng.

Mọi người làm theo lời ông nói. Một năm trôi qua thật nhanh. Và năm sau trong một hội trường lớn, là một cảnh tượng hết sức hùng vĩ. Hàng trăm chậu cây với đủ loại cây khác nhau, trừ một chậu. Chậu này chỉ có đất, không có cây! Chủ chiếc chậu đứng im lặng, và có vẻ như xấu hổ về bản thân.

Vị tổng giám đốc gọi anh ta lên sân khấu. Ông hỏi anh ta chuyện gì đã xẩy ra và anh ta nói cho ông nghe sự thật. Anh đã gieo hạt giống mà anh được phát, và làm những gì được hướng dẫn – nhưng không có gì xảy ra.

Vị tổng giám đốc tuyên bố anh ta là người thắng cuộc.

Mọi người thấy sốc.

Lời tuyên bố như sau, “ Các bạn, những hạt giống tôi đưa cho các bạn là những hạt giống đã được nấu chín. Các bạn gieo nó xuống và dĩ nhiên chẳng có gì xảy ra cả! Các bạn đã hành xử tinh khôn và đã sử dụng những hạt giống khác. Anh bạn này thực sự trung thực và như vậy, anh ấy đã không lừa tôi và chính bản thân anh ấy!”


(Nguồn: Luôn mỉm cười với cuộc sống – Nhã Nam tuyển chọn)

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

NHỮNG SUY NGHĨ TÍCH CỰC


Những suy nghĩ tích cực

Có một người làm vườn nghiêm túc rất yêu công việc của mình. Một ngày nọ anh ta đi ngang qua khu vườn tuyệt đẹp của mình và tình cờ thấy một ngọn cỏ dại. Người làm vườn đang mệt trong người và quyết định cứ để vậy.

Hôm sau anh ta phải rời nhà đi thăm người bà con ở đất nước khác trong hai tuần. Khi trở về, mảnh sân sau đã phủ đầy cỏ dại và những gì anh ta trồng đều chết hết.

Nếu chúng ta để cho một suy nghĩ xấu tồn tại trong đầu và không thể tống khứ nó đi, nó sẽ nảy mầm và thay vì nhổ một ngọn cỏ dại, bạn sẽ phải kiểm soát nhiều hơn như thế. Nếu chúng ta loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, bằng cách phát triển những suy nghĩ tích cực, chúng ta sẽ phô diễn qua tính cách của chúng ta như một khu vườn đẹp.


(Nguồn: Luôn mỉm cười với cuộc sống – Nhã Nam tuyển chọn)