Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

NGUỒN MẠCH PHÁT SINH BÌNH THẢN



Năm 1973, trên đài phát thanh Canada, người ta có phỏng vấn một nữ diễn viên hài rất dễ thương và bình dân.
Trong nhiều hoàn cảnh hết sức khác nhau, nàng vẫn luôn luôn hiền lành dịu ngọt, nàng vẫn lưu tâm bảo vệ sự trong trắng đơn sơ, nên các bạn bè nàng đều nói:
- Chúng tôi muốn biết cái bí quyết của chị. Làm sao mà lúc nào chị cũng có vẻ hạnh phúc, cuộc đời đối với chị hình như quá đơn giản? Nhìn thấy chị người nói không những chị không có vấn đề gì khó khăn, mà thậm chí chưa bao giờ gặp vấn đề gì khó khăn cả. Có bao giờ chị mất nụ cười trên môi đâu?
Cô diễn viên vui vẻ và bình thản kể lại:
- Sở dĩ tôi có được thái độ ấy là nhờ mẹ tôi. Nhà tôi rất đông người, khi nào chúng tôi có chuyện gì buồn phiền, thì mẹ tôi lại nói:
      - Này các con, đừng lấy làm khó chịu,
      buồn phiền chỉ là những du khách,
      không ở yên một chỗ nào lâu,
      ngày mai chúng biến mất thôi.
      Vậy hãy cười tươi lên và kiên nhẫn.
Thế là chúng tôi nhìn những nỗi buồn phiền đó qua đi trong tâm trí. Khi chúng tôi có một niềm vui, mẹ lại bảo:
      - Hãy thưởng thức nó đi, hãy nếm nó xem,
      hãy phân tích nó,
      hãy vui vẻ đón nhận nó,
      nó đến để ở lại,
      nó không giống như người dọn nhà thuê.
Chúng tôi giữ lấy niềm vui, đó là cách mẹ giáo dục chúng tôi.
Thực ra, thái độ của cô nghệ sĩ, của nữ diễn viên này, không gì khác hơn là làm chủ giây phút hiện tại: giây phút hiện tại có thể củng cố hay làm mất thăng bằng tuỳ theo ta có làm chủ được cảm tính hay không.

      Nếu chúng ta sống tràn đầy giây phút hiện tại,
      bằng cách ý thức rằng
      can đảm và nghị lực của ta
      kín múc được sức mạnh
      nơi Siêu Lực trong ta.
      Thử thách, thất vọng, nghịch cảnh,
      lo lắng, đắng cay, mâu thuẫn với tha nhân,
      hay thời vận não nề,
      sẽ không bao giờ phá huỷ được
      niềm vui trong nội tâm sâu thẳm
      sự bình an mà ta tìm kiếm mỗi ngày.
      Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi
      những ai vững cậy nơi Ngài.


Gợi ý: 
Xây dựng cuộc đời
      chính là sống ngày hôm nay cho tràn đầy
      bằng những phương thế bình thường.
      Ngày nào cũng có đủ khổ nhọc cho ngày nấy (x. Mt 6,34).


Nếu ta để lại ngày mai
      những gì ta có thể làm được ngày hôm nay
      là ta làm cho mình kém hiệu lực,
      là không chịu cố gắng
      xây dựng và làm an tâm
      những người đang cậy trông nơi ta.


Sáng nào cũng nên dành ra vài phút
      làm agenda chuẩn bị những việc phải làm,
      suy nghĩ ra một vài việc tích cực
      để làm nhằm ích lợi tha nhân

VỚI ANH EM, THẦY LÀ AI...

28.9.2018 – Thứ Sáu Tuần 25 TN B

***

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Ðám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”
Suy niệm: Anh em bảo Thầy là ai?
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình, 
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ. 
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18). 
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình. 
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19). 
Điều đó đúng nhưng không đủ. 
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn. 
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20). 
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” 
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn, 
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố. 
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21). 
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô 
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. 
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. 
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma, 
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế. 
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22). 
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung. 
Phêrô đã đi theo Mêsia nào? 
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông, 
ông có còn muốn theo Ngài nữa không? 
“Còn con, con bảo Thầy là ai?” 
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời. 
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai. 
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống, 
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm, 
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi. 
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài. 
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi, 
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim. 
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng. 
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình. 
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó. 
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn. 
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia. 
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, 
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ. 
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình 
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha. 
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do, 
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ. 
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất, 
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu. 

Cầu nguyện :

Xin hãy dẫn dắt con 
đi từ cõi chết đến sự sống, 
từ lầm lạc đến chân lý. 
Xin hãy dẫn dắt con 
đi từ thất vọng đến hy vọng, 
từ sợ hãi đến tín thác. 
Xin hãy dẫn dắt con 
đi từ ghen ghét đến yêu thương, 
từ chiến tranh đến hòa bình. 
Xin hãy đổ đầy bình an 
trong trái tim chúng con, 
trong thế giới chúng con, 
trong vũ trụ chúng con. 
(Mẹ Têrêxa Calcutta) 
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

NGÀY NẦY PHẢI HƠN HÔM QUA


Giây phút may mắn trong cuộc đời
       chính là giây phút
       mà tôi tìm kiếm nơi tôi những gì tích cực.


Mỗi lần mà tôi loay hoay dừng lại ở những cái tiêu cực,
      là tôi đều làm cho mình bị tổn thương,
      làm cho mình đau khổ,
      làm cho mình buồn bã,
      làm cho mình băng hoại.


Những tư tưởng tích cực không bao giờ làm tôi thất vọng,
      lần nào chúng cũng đều giải cứu tôi
      khỏi căng thẳng, âu lo,
      khỏi nỗi lo sợ không thực hiện thành công
      những gì tôi muốn thực hiện
      để tự khẳng định chính mình.


Phải tập lấy thói quen chạy trốn
      những tư tưởng tiêu cực về quá khứ.


Rất nhiều người cứ lải nhải hoài
      về những kỷ niệm buồn thơ ấu,
      và vun trồng một cách vô ý thức
      đầu óc chủ bại bệnh hoạn,
      một tâm trạng sầu thảm,
      hay một nỗi ưu buồn khốc hại
      làm tiêu tán biết bao nghị lực.


Cần phải đuổi khỏi tâm trí
      mọi kỷ niệm thương đau,
      cần phải trốn tránh như tránh dịch
      tất cả những gì của quá khứ làm ta mệt trí.


Người ta nói:
      chuyện đó dễ mà làm không dễ.


Tôi đồng ý điều đó,
      nhưng một tư tưởng tiêu cực có thể được thay thế
      bằng một tư tưởng tích cực,
      và tất cả những ai thành công trên trái đất,
      tất cả mọi người lãnh đạo hành tinh này
      cũng chỉ biết vui vẻ làm điều đó mỗi ngày.
Tôi có gặp một anh công nhân đang bị thất nghiệp, anh lái xe vận tải suốt 35 năm nay, những người chủ của anh đã sa thải anh để thay thế anh bằng một người trẻ hơn với một mức lương thấp hơn.
Anh công nhân tương đối có giáo dục này chiến đấu chống lại cơn chán nản như anh vẫn thường làm. Thấy tôi động lòng thương cho số phận của anh, nói:
- Tôi không để cho mình chán nản, tôi không buồn khổ vì số phận của tôi, tôi không kêu gào bị bất công, tôi không ngừng tự chủ rằng còn có nhiều người khốn khổ hơn tôi, thế nào rồi tôi cũng có lối thoát, tôi sẽ không chết đói. Nhìn thấy những người khốn khổ hơn tôi khiến tôi được an ủi, khích lệ tôi vững tâm, còn những người may mắn hơn tôi, những ông chủ cũ của tôi, tôi mặc kệ họ sống với số phận của họ. Điều quan trọng là tôi không để mất nghị lực vào những lời ta thán vô ích.
Anh nói tiếp:
- Những tư tưởng buồn bã, tiêu cực, chính là thứ độc dược bảng A, là thuốc độc cực mạnh, là sự ô nhiễm, tôi quẳng bỏ hết tất cả những thứ đó.
Cái kiểu nói tượng hình đó có lợi điểm là rất rõ ràng. Sau cuộc đối thoại đó một vài tháng, tôi gặp lại anh chàng đó trong một trung tâm thương mại. Anh tới gặp tôi, có vẻ thoải mái, vui vẻ, và hơi ba hoa. Anh ta nói:
- Tất cả mọi người đều cần lẫn nhau, tôi không hề có được một ngày rảnh. Tôi đang phải phục vụ khách hàng, lúc nào cũng có người kêu nhờ tôi, tôi tự tạo có một mức lương thích hợp, tôi yêu đời hơn bao giờ hết, vì cuối cùng, tôi tự làm việc cho tôi, chính tôi tự chọn giờ giấc cho mình.

Đó là thái độ của một người
      biết tận dụng giây phút hiện tại.


Một hiền giả nói với tôi:
      trong tâm trí chúng ta,
      những tư tưởng tích cực được dự trữ hàng tấn.
Tìm kiếm chúng, khai thác chúng, dùng chúng dưỡng tâm tính mình, dùng chúng giúp ích cho người khác, có thể không phải là chìa khoá để thành công, mà là một sự bình an giúp ta cảm nghiệm được hạnh phúc.
Có bàn tay Thiên Chúa nhân từ trong những việc đó.

Tôi xua đuổi những tư tưởng hắc ám,
      những kỷ niệm đau thương trong quá khứ,
      với tất cả nghị lực mà tôi dùng
      để tránh xa ma quỷ
      khi tôi nhận ra chúng quanh tôi.


Phải chăng những tư tưởng thân thiện và tích cực
      là tiếng nói của Chúa đang vang vọng
      một cách yêu thương vô vị lợi?


Khi nào tôi chăm chú lắng nghe
      Đấng phán cùng tôi tận đáy lòng,
      thì sức mạnh tinh thần và động lực thúc đẩy tôi
      cùng với khả năng sống bình thản
      mới trở nên hữu hiệu cho tôi.


Hôm nay phải hơn hôm qua,
      vì tôi làm chủ được hôm nay.
      Ngày mai sẽ thực sự giá trị khi nó trở thành ngày hôm nay
      và khi nó nằm trong quyền hạn của tôi.


Muốn sống đời mình thật viên mãn,
      muốn khỏi bị căng thẳng,
      muốn trở nên chính mình,
      cần phải lấy giây phút hiện tại làm vốn,
      phải đem những gì tốt đẹp nhất của mình ra đầu tư,
      khai thác tối đa có thể
      những gì tích cực tận thâm tâm,
      phải mở mắt ra xem chung quanh
      để tránh những gì gây độc hại.


Đem một vài đức tính cá nhân của mình
      để sống từng giây phút hiện tại
      đó chính là thực hiện bản thân,
      sửa chữa lại quá khứ,
      chuẩn bị những phương hướng giải quyết
      thích hợp và chính đáng
      cho những vấn đề của ngày mai.


Nếu không chăm chú, tỉnh táo, tự lập và tự mình,
      thì không sao hưởng được giây phút hiện tại
      cùng với những lợi ích của nó.


Khi sống giây phút hiện tại,
      người ta tự trang bị cho mình khí giới
      chống lại những bất trắc tương lai
      và phong phú hoá bản thân,
      giống người lực sĩ chuyên cần,
      tập luyện để biểu diễn trước quần chúng.


Khi đó, giây phút hiện tại trở thành
      nguồn vui thú thoả mãn,
      và đem lại giải pháp thích hợp
      cho từng nhu cầu cho ta là thiết yếu.


Sống giây phút hiện tại sẽ giúp cho mỗi người
      tiếp xúc với nội tâm sâu thẳm của mình,
      và giải phóng ta khỏi bị tiên kiến,
      khỏi những phán đoán vội vàng,
      khỏi những thành kiến bất lợi,
      đồng thời giúp ta cắt đứt với quá khứ.


Nếu có ai sống tràn đầy giây phút hiện tại
      họ sẽ không dễ dàng bị tổn thương
      bởi những người hay ngồi lê đôi mách,
      bởi những tâm tình thất vọng;
      họ sẽ cảm thấy mình tự chủ được xung động
      trong cõi lòng mình.


Sống giây phút hiện tại khiến ta thực tế hơn,
      giúp ta tập trung nghị lực,
      giải cứu ta khỏi vô số nhiễu loạn,
      và tiêu diệt căng thẳng, âu lo,
      sợ hãi, cùng biết bao mơ mộng hão huyền.

MẸ VÀ ANH EM TÔI

25.9.2018 – Thứ Ba Tuần 25 TN B

***

Lời Chúa: Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Ðức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy niệm: Mẹ tôi và anh em tôi
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu, 
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài. 
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại? 
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm, 
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ. 
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ. 
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy, 
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19). 
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu: 
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20). 
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết 
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không. 
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng. 
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài: 
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa 
và đem ra thực hành” (c. 21). 
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ ! 
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia. 
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét, 
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài. 
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột. 
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà. 
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà. 
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu. 
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành, 
để trở thành mẹ và anh em của Ngài. 
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài. 
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới. 
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều, 
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó. 
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em. 
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài, 
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ, 
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân. 
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha. 
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa, 
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài. 
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu. 
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa. 
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa. 
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình. 
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria, 
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, 
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. 
Chúng con thường xây nhà trên cát, 
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, 
nhưng lại không dám đem ra thực hành. 
Chính vì thế 
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con. 
Xin cho chúng con 
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, 
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ. 
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, 
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng. 
Ước gì ngôi nhà đời chúng con 
được xây trên nền tảng vững chắc, 
đó là Lời Chúa, 
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. 
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

TRÁNH TẢN MÁT TINH THẦN (tt)


Hiện tại đem vũ trụ vào tầm tay của ta, nó được ban cho chúng ta để chúng ta xây dựng bản thân, thực hiện bản thân, giúp ta khám phá ra những năng lực của mình, và giúp ta sống tốt đẹp nhất của chính chúng ta một cách không trở ngại.
Điều quan trọng trong cuộc đời không phải là những gì chúng ta đã trở thành ngày hôm qua, cũng không phải là những gì chúng ta sẽ trở nên vào ngày mai, mà là những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay. Chúng ta hoàn toàn không thể làm chủ được quá khứ hay tương lai. Thực lực của chúng ta chỉ xuất hiện duy nhất vào giây phút hiện tại mà thôi.
Tất cả chúng ta đều có sẵn trong tâm trí những gương cảm động cho thấy: khi tập trung tối đa sức chú ý của ta vào giây phút hiện tại, chúng ta đã từng bất thần thay đổi quỹ đạo của cuộc sống chúng ta.
Tin Mừng cũng cống hiến cho chúng ta rất nhiều gương như thế.
Nhờ tiếp xúc với Đức Kitô mà Maria Mađalêna, một cô gái điếm, đã hối cải, trở nên một nhà thần bí, làm một trụ cột cho Giáo Hội sơ khai. Tâm hồn bà xúc động, bà đã quyết tâm, cuộc đời bà đã thay đổi, bà đã từ bỏ hoàn toàn để theo Ngài.
Có hai người kia bị kết án tử hình để đền bù vô số tội lỗi cuộc đời cướp bóc của họ. Còn một tên thứ ba, chắc cũng là đồng bọn, lại không họp mặt ở đây. Các nhà chính trị, nhà cầm quyền, bọn biệt phái, vào phút chót đã thay thế hắn bằng một người lạ, là Giêsu Nadarét. Hai tên cướp dò xét Ngài. Một tên đầy khiêu khích, không chấp nhận hình phạt của mình. Cứ mở miệng là hắn tuôn ra nhũng lời hận thù, hắn nhục mạ, nhạo báng, chế nhạo người tử tội mới đến. Tên kia, bạn hắn, nhận ra hình phạt là xứng đáng, nên chấp nhận chết vì không được tha. Hắn nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt khác hẳn: hắn so sánh Ngài với tên đồng bọn của mình đã lôi kéo hắn vào con đường tội ác bao nhiêu năm nay, và hắn khám phá ra Ngài là người nhân hậu, khôn ngoan. Hắn đã để mình bị chinh phục và lên tiếng đối thoại.
Khi nào về thiên đàng,
       xin Ngài nhớ đến tôi.
Đức Giêsu đáp lại:
Ngay hôm nay,
       anh sẽ vào thiên đàng với Ta.
Những tên trộm cướp mơ mộng được tự do bằng cách chiếm đoạt của người khác những gì chúng mong ước. Khi buông theo dục vọng, chúng sẽ đi sai đường. – Được gần Đức Giêsu trên thập giá, một may mắn cuối cùng đến với họ: một ánh mắt phải có, một lời phải nói, và sự tự do của họ, tự do đích thực, sẽ vĩnh viễn giải phóng họ. – Hai tên đều chăm chăm nhìn vào Đức Giêsu, một tên nhìn để báng bổ, còn tên kia nhìn để chấp nhận lời mời gọi của Ngài, và chỉ trong mấy phút, hắn thay đổi được bản chất cái chết của hắn, và cả thế giới gọi hắn là Tên Trộm Lành.
Cả Maria Mađalêna lẫn người trộm lành đều không có thì giờ để giải thích toàn bộ những hành động lầm lạc trong quá khứ, và cả hai đều không có cơ hội dự phòng cho tương lai. – Khi chú tâm hết mình vào nhân cách của Đức Giêsu, cả hai người đã thay đổi hoàn toàn cái nhịp điệu đời sống và nhịp điệu vĩnh cửu của mình. – Phần chúng ta, chúng ta đều có cùng một cơ may như thế nếu biết tận dụng giây phút hiện tại này.
Ngày nào chúng ta cũng có 24 giờ để tuỳ nghi sử dụng nó, đó là thời gian chúng ta cần có để điều chỉnh lại cuộc đời, để xây dựng hạnh phúc, để phục vụ xã hội, góp nhặt những gì tích cực, hầu trình diện trước mặt Chúa, nghe Ngài, chấp nhận Ngài, và hân hoan vì một lời tương tự như:
Ngay hôm nay,
       con sẽ ở trên thiên đàng với Ta.



Gợi ý:
Nếu bạn chưa bao giờ được hạnh phúc
       thì hôm nay chính là lúc để bạn hạnh phúc,
       ngày mai hay năm sau đều hết sức bấp bênh
       vì có thể chúng ta sẽ ra người thiên cổ.

CÁCH THỨC LẮNG NGHE

24.9.2018 – Thứ Hai Tuần 25 TN B

***

Lời Chúa: Lc 8, 16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói cùng dân chúng rằng: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
Suy niệm: Cách thức anh em nghe
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc. 
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống. 
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên, 
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa. 
Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16). 
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung. 
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng. 
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà, 
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10). 
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại, 
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường. 
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét, 
nhưng đời Kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn 
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công. 
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, 
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.” 
Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo, 
hay phải chịu sống như Giáo hội thầm lặng, 
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút 
lại không phải là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu (c. 17). 
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở, 
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai. 
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người, 
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết. 
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an. 
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu. 
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được. 
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao. 
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn giấu. 
“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18). 
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai, 
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá, 
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động. 
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời 
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15). 
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm. 
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động, 
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ. 
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài. 
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân. 
Thái độ của Kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng. 
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng, 
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu 
tạ ơn Chúa đã cho chúng con 
ánh sáng mặt trời, mặt trăng, 
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất. 
Tạ ơn Chúa 
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng. 
Đó là vinh dự 
và cũng là một trách nhiệm nặng nề. 
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối 
của hận thù và bất công, 
của buồn phiền và thất vọng. 
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa 
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, 
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa 
qua từng phút giây của cuộc sống. 
Lạy Chúa Giêsu, 
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối 
vẫn còn tiếp diễn 
trên thế giới và trong lòng chúng con. 
Ước gì chúng con 
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, 
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, 
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa. 
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)