Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

YÊU KẺ THÙ

16.3.2019 – Thứ bảy tuần I Mùa Chay

Yêu kẻ thù

PHÚC ÂM: Mt 5, 43-48
“Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

Suy niệm:

“Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin 
vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.” 
Đó là một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi 
cho anh Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma. 
Nhưng ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh. 
Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá. 
Điều đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi. 
“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43). 
Thật ra Luật Môsê không dạy ghét kẻ thù, 
nhưng ghét kẻ thù của Thiên Chúa là chuyện có trong các thánh vịnh. 
“Lạy Chúa kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét?… 
Con ghét chúng, ghét cay ghét đắng, 
chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139, 21-22). 
Đức Giêsu dạy các môn đệ yêu kẻ thù (c. 44), 
Nhưng vào sau năm 70, kẻ thù của các môn đệ là ai? 
Là quân xâm lược Rôma, là thế giới dân ngoại đang bắt đạo (Mt 10, 22). 
Là những người đồng hương thuộc hội đường đang ngược đãi các Kitô hữu. 
Là những ai không phải là anh em, nghĩa là những ai không tin Đức Giêsu. 
Đức Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình. 
Tình yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa. 
Hãy yêu kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên. 
Yêu là một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể. 
Yêu là cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ. 
“Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”, 
Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục. 
Yêu kẻ thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời (c. 45), 
trở nên giống Cha là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính. 
Trở nên con cái Cha là tiến trình dài một đời, 
xuyên qua những hành vi yêu thương vượt trên tự nhiên. 
Cha yêu mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện. 
Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha 
nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ (c. 48). 
Kẻ thù cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con được Cha yêu như tôi. 
Chúng ta nên nghĩ đến những kẻ thù của mình, ở rất gần mình, 
những người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa. 
Tôi sẽ làm gì để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này? 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, 
có những ngày 
đón nhận những người khác 
là điều vượt quá sức con, 
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối. 
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, 
có những ngày 
con không thể nào kính trọng kẻ khác được, 
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy. 
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con 
có những ngày 
mà yêu mến người khác 
làm cho tim con đau nhói, 
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau 
và những giới hạn của bản thân con. 
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con 
trong những ngày khó khăn đó, 
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng 
tất cả chúng con đều là con cái Chúa 
và đừng để con quên lời Chúa nói : 
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất 
là làm cho chính Ta.” Amen. 
(Trích trong PRIER) 
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

LÀM HÒA...

15.3.2019 – Thứ sáu tuần I Mùa Chay

Làm hòa 

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26
“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”
Suy niệm:
Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo, 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự viên: 
“Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng 
chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình… 
Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng 
chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.”
Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.” 
Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải thích giới răn ấy. 
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” 
Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người: 
“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22). 
Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay. 
Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục người khác. 
Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người. 
Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận chính đáng, 
như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em. 
Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách. 
Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ 
và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ. 
Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận. 
Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên. 
Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa 
với các anh em đang có điều bất bình với ta, 
phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người gây chuyện. 
Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c. 25). 
Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa. 
Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục.
Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa, 
vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên. 
Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng, 
nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

PHÚC ÂM: Mt 7, 7-12 “Ai xin thì sẽ nhận được”.

14.3.2019 – Thứ năm tuần I Mùa Chay

Ban những của tốt lành

PHÚC ÂM: Mt 7, 7-12
“Ai xin thì sẽ nhận được”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!
“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Đấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy”.

Suy niệm :

“Hãy xin thì anh em sẽ được cho, hãy tìm kiếm thì anh em sẽ tìm thấy, 
hãy gõ thì sẽ được mở cho anh em. 
Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm kiếm thì sẽ tìm thấy, 
ai gõ thì sẽ được mở cho” (cc. 7-8). 
Biết bao người đã tin vào lời này của Đức Giêsu và đã cầu xin. 
Nhiều người đã được nhận lời, nghĩa là đã được như lòng mình ao ước. 
Nhiều người khác tuy không được điều mình xin, 
nhưng lại được ơn vui vẻ chấp nhận tình trạng của mình, 
ơn nhận ra ý nghĩa của nó, ơn có sức chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi. 
Những người này cũng coi là mình đã được nhận lời. 
Tuy nhiên, một số người khác vẫn đau khổ vì thấy không được nhận lời. 
Họ xin những điều rất bình thường như có một người yêu, một đứa con… 
Họ xin những điều rất tự nhiên, rất hợp lẽ, 
như cho con bỏ ma túy, cho chồng bỏ vợ bé, cho có công ăn việc làm. 
Bao người Do thái đã cầu nguyện khi 6 triệu đồng bào của họ bị tàn sát. 
Bao người Việt Nam đã cầu nguyện trong cơn bách hại dưới các triều vua. 
Có Chúa không? Chúa ở đâu? Sao Chúa lặng thinh và khoanh tay? 
Chúa có lòng thương xót không? Chúa có toàn năng không? 
Những câu hỏi đớn đau khiến một số người mất đức tin, trở nên vô thần. 
Đức Giêsu khẳng định: xin sẽ được cho, tìm thì sẽ thấy, gõ sẽ được mở. 
Thiên Chúa luôn luôn đáp trả mong đợi của con người, 
nhưng không nhất thiết Ngài phải cho con người đúng điều họ muốn, 
vào đúng lúc và theo đúng cách con người muốn. 
Con người phải tập đào sâu và thanh luyện ao ước của mình, 
tập uốn ý mình theo ý của Thiên Chúa. 
Rồi cuối cùng, con người cũng thấy mình được cho, được thấy, được mở. 
Ai kiên trì cầu xin đều thấy mình dần dần được biến đổi. 
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ ban cho con cái Ngài những điều tốt. 
Nhưng đâu là điều tốt thật sự? 
Đối với ta, đó là giàu sang, sống lâu, danh tiếng, thành công hay mạnh khỏe. 
Đối với Chúa, không hẳn luôn là như vậy. 
Điều Ngài thấy là tốt, đôi khi ta coi là hòn đá hay con rắn. 
Và ngược lại, điều ta coi là tốt bây giờ thật ra là điều nguy hại mai sau. 
Với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết ta thực sự cần gì. 
Hãy phó thác chuyện đời mình cho tình yêu quyền năng của Ngài, 
dù khi còn sống ở đời này, ta không hiểu hết được tại sao. 

Cầu nguyện :

Lạy Cha là Chúa trời đất, 
Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài. 
Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán. 
Cha đã cho con người được chia sẻ tự do của Cha, 
và Cha luôn tôn trọng tự do ấy, 
dù con người đã lạm dụng tự do để làm điều xấu. 
Lạy Cha toàn năng, 
khi trao cho loài người chúng con tự do, 
Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha. 
Bởi đó sự dữ có sức mạnh tung hoành trong thế giới này. 
Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên, 
chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống. 
Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công 
của bao người thấp cổ bé miệng. 
Và Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá 
trở nên dấu chỉ của tình yêu cao nhất, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. 
Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ, 
chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con. 
Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày. 
Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con. 
Chúng con tin vào tình yêu Cha dành cho từng người ngay giữa sóng gió. 
Và chúng con biết mình không bao giờ thất vọng. Amen. 
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

DẤU LẠ...

13.3.2019– Thứ tư, tuần I Mùa Chay

Con Người sẽ là một dấu lạ 

PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32
“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.
Suy niệm:
Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày. 
Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống. 
Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa. 
Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ. 
Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải, 
Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm. 
Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa. 
Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu 
khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài. 
Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời 
để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài. 
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ. 
Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục. 
Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối: 
“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.” 
Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống. 
Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông. 
Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng, 
nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước ngài. 
Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.
Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32). 
Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này. 
dù lời giảng của ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn 
và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna. 
Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình. 
Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên. 
Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ. 
Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng 
để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ. 
Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé 
mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đườngxin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thânvới những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên concả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đườngxin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

HÃY CẦU NGUYỆN

PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
” ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen’.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

Suy niệm :

Mùa Chay là thời gian tăng cường việc cầu nguyện. 
Nhưng vấn đề là cầu nguyện như thế nào theo đúng ý của Đức Giêsu. 
Ngài đã cảnh báo về một thứ cầu nguyện có tính phô trương, tìm mình. 
Ngài mời ta cầu nguyện một cách kín đáo (Mt 6, 6). 
Cầu nguyện là gặp Cha, Đấng ở nơi kín ẩn và Đấng thấy ở nơi kín ẩn. 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng 
cầu nguyện không phải là dùng những lời kinh như một thứ ma thuật, 
để lèo lái hay cưỡng bách Thiên Chúa phải theo ý mình. 
Cầu nguyện là mềm mại để uốn mình theo ý Chúa. 
Sức mạnh của cầu nguyện không nằm ở chỗ lắm lời, 
vì không phải cứ nói nhiều là được ưng nhậm (c. 7). 
Cầu nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài biết về tình trạng của ta, 
sợ rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết (c. 8). 
Thật ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi. 
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bày tỏ để có tương quan với Thiên Chúa, 
thổ lộ với Ngài cách đơn sơ hồn nhiên như con thơ nói với cha. 
Qua kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện. 
Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là Cha, Abba. 
Họ được phép gọi như Ngài đã gọi và chia sẻ chức vị làm Con của Ngài. 
Một lời cầu nguyện có tính tập thể: “Lạy Cha chúng con.” 
Chính vì Cha là Cha của chúng con nên chúng con là anh chị em với nhau. 
“Cha ở trên trời”, vì thế Cha lại thấy hết mọi người và ở bên từng người. 
Cha thật siêu việt vì Cha ở trên trời cao thẳm; 
nhưng Cha lại thật gần gũi, 
vì Cha lo cho từng con chim sẻ, từng bông hoa ngoài đồng, 
Cha cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên mặt đất. 
Ba lời xin đầu tiên của kinh Lạy Cha hướng đến Thiên Chúa Cha. 
Hẳn chúng diễn tả tâm tình chủ yếu của Đức Giêsu trong suốt đời. 
Bốn lời xin tiếp theo hướng đến nhu cầu của nhóm môn đệ. 
Xin bánh mỗi ngày, xin ơn tha thứ, ơn thắng được cám dỗ và sự dữ. 
Có khi lời nguyện của chúng ta quá qui về mình, loay hoay với cái tôi, 
với những ước mơ tính toán, những âu lo cho nhu cầu vật chất. 
Hãy xin Chúa những điều lớn lao cho Nước Chúa trên trần gian, 
còn mọi sự khác nho nhỏ, Ngài sẽ ban thêm cho ta. 

Cầu nguyện :

Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ, 
xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha 
trong vũ trụ vô cùng lớn, 
trong những hạt tử vô cùng nhỏ, 
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người. 
Cha từ ái biết bao 
khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc. 
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín, 
mầu vàng mặt trời xế chiều. 
Cha từ ái biết bao 
khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh. 
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von, 
tiếng gió rì rào qua kẽ lá. 
Cha từ ái biết bao 
khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm. 
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau, 
hương thơm của nắng xuân dìu dịu. 
Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha 
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc, 
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan, 
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm, 
và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người. 
Dưới lòng đất, trên núi cao, 
giữa biển sâu, trong rừng vắng, 
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha. 
Xin cho chúng con 
biết chung sống với thiên nhiên này 
như một người bạn, một quà tặng Cha ban, 
biết giữ gìn ngôi nhà trái đất 
để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt, 
và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn. 
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này 
và muôn loài Cha đã dựng nên 
được cùng với cả nhân loại chúng con 
vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen. 
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.