Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

ĐẾN MỘT NGÀY...


Đến một ngày...

Đến một ngày chúng ta bỗng nhận ra nhiều điều của cuộc sống, như một căn duyên chợt đến để cảm nhận - theo lời người xưa từng nói là ngộ ra.

Chúng ta bỗng nhận ra sự xuyên suốt lẽ ra phải có trong cuộc sống mình - khi trời đất tĩnh lặng, khi lòng người lắng xuống tận đáy ký ức tâm hồn. 
Chúng ta chợt thấy những ngày đã qua dù làm được nhiều việc nhưng chỉ là một quán tính của sự cảm nhận cùng lòng say mê chiến thắng và sự tự khẳng định mình.

Một lúc nào đó chúng ta bỗng nhận ra sự vô tình của bản thân với những giá trị khác và những tấm chân tình của người bạn đã xa. 
Chúng ta thường nhận ra sự chưa hoàn thiện của người khác mà quên đi của chính mình - khi bản ngã kiêu hãnh và cái tôi chen chân đứng cùng một chỗ, khi chúng ta tự cho tầm nhìn của mình là rộng nhất.

Chúng ta chợt cảm nhận được quy luật sâu xa của cuộc sống là quá trình cho và nhận. 
Chúng ta cảm thấy sự tha thứ, bao dung, nhìn nhận lại cũng là một sự cho đi và những tổn thương tinh thần tưởng chừng không có nguồn nào bù đắp trở nên nhẹ nhàng như cần phải có.

Chúng ta chợt cảm thấy sự thanh thản, nhẹ nhàng trước những nỗi đau, lỗi lầm, mất mát của ngày hôm qua, sự mới mẻ tinh khôi của ngày hôm nay và đó chính là những gì dành cho ngày mai.

Có lúc chúng ta nhận ra bầu trời lấp lánh ngàn vì sao hay đen kịt âm u dông tố không ngăn được sự bừng sáng của một con tim - ánh sáng rực rỡ của mặt trời chiếu rọi không ấm áp bằng chiếc đèn lồng ký ức tình yêu, và hạnh phúc không phải chỉ là nụ cười mà còn là giọt nước mắt trên bờ vai tin cậy.


Đến một lúc chúng ta cảm thấy sự thừa thãi của ngôn từ, sự ấm lòng của tình thương thầm lặng, ý nghĩa của sự chia sẻ và điểm thiêng liêng trong sáng của ánh mắt ai đó chợt nhìn ta. 
Chúng ta cảm nhận được sợi dây kết nối mọi người, điểm tĩnh trong chuyển động, sự trường tồn của cuộc sống và chợt thấy khoảnh khắc của ngày hôm nay ý nghĩa hơn ngày hôm qua.

Nguồn : Hạt giống tâm hồn 1

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

CUỘC ĐUA GIỮA THỎ VÀ RÙA

Cuộc đua giữa thỏ và rùa
Bạn còn nhớ cuộc đua nổi tiếng của Thỏ và Rùa không?  Tất cả chúng ta đều biết rằng kết thúc câu chuyện Thỏ không thể thắng Rùa trong cuộc đua.

Rồi, đây không phải là kết thúc thật sự của câu chuyện. Sau khi thua cuộc nhục nhã trước Rùa, Thỏ quyết định đua lại. Lần này, Thỏ quyết định không ngủ trưa nữa.

Cuộc đua bắt đầu và chẳng mấy chốc Thỏ đã cách khá xa bóng dáng của Rùa và tất cả khán giả. Lần này nó đã không dừng lại và thắng Rùa với khoảng cách chênh lệch khá xa.

Rùa thua cuộc lần này, tuy nhiên nó không bỏ cuộc. Rùa lại thách đầu Thỏ một đường đua khác. Thỏ, đầy tự tin, chấp nhận thách đấu. Thỏ đã biết lý do nó thua cuộc trước đây : do sự lười nhác trong cuộc đua đầu. Thỏ có thể chiến thắng cuộc đua thứ hai vì Thỏ có thể tiếp tục đua.

Cuộc đua thứ ba bắt đầu. Thỏ, như mọi khi, nhanh chóng mất dạng. Ai cũng cười Rùa nhưng Thỏ không muốn dừng lại nhìn xem tại sao và vẫn tiếp tục chạy nhanh hết sức mình. Nó muốn lần này thắng Rùa với khoảng cách chênh lệch còn dài hơn cuộc thi trước. Bỗng Thỏ thấy một dòng sông. Thỏ không thể nghĩ ra làm sao để qua sông và buộc phải dừng lại.

Sau đó một lúc Rùa cũng tới con sông và rất tự tin nhào xuống. Rùa bơi nhanh hơn bò trên mặt đất nhiều. Chẳng bao lâu nó đã qua sông và hướng tới đích trong khi Thỏ đứng bất lực nhìn Rùa chiến thắng cuộc đua.

Câu chuyện chưa kết thúc ở đây.

Sau cuộc đua thứ nhất, Thỏ nghiệm ra rằng nó thua bởi vì nó lười biếng.

Sau cuộc đua thứ hai, Rùa nghiệm ra rằng  nó thua bởi vì đối thủ của nó thật sự mạnh về chạy.

Sau cuộc đua thứ ba, Thỏ nghiệm ra rằng nhanh hơn thôi chưa đủ; cần phải có bộ não để hoàn thành nhiệm vụ.
 Thỏ và Rùa quyết định chạy lại. lần này chỉ chạy chứ không phải đua.

Trong khi chạy, trước khi tới con sông, Thỏ đặt Rùa lên lưng mình. Khi chúng cần vượt sông, Rùa lại đặt Thỏ lên lưng mình và cả Thỏ và Rùa đến được đích trong khoảng thời gian ngắn nhất.
(Nguồn: Luôn mỉm cười với cuộc sống – Nhã Nam tuyển chọn)

ĐÊM CUỐI CÙNG

Đêm cuối cùng

Hãy dành thời gian cho mọi người quanh mình - cho dù đó là một việc nhỏ nhoi. Hãy làm điều mà bạn chẳng được hưởng lợi lộc gì ngoài đặc quyền làm điều đó. 
Albert Schweitzer

Cụ ơi, con trai cụ đến rồi đây. - Cô y tá khẽ gọi cụ già.

Phải gọi đến mấy lần ông lão mới khó nhọc mở mắt ra. Đêm qua, ông được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê do trụy tim và sau khi cấp cứu, ông cũng chỉ tỉnh lại phần nào. Ông loáng thoáng nhìn thấy bóng dáng một thanh niên trong bộ quân phục lính thủy đang đứng cạnh giường mình.

Ông lão đưa tay ra cầm lấy tay chàng trai. Những ngón tay rắn rỏi của anh lính siết nhẹ bàn tay mềm rũ không còn chút sinh khí ấy. Cô y tá mang đến một chiếc ghế để người lính ngồi với cha mình.

Suốt đêm, anh lẳng lặng ngồi trong căn phòng ánh sáng tù mù, nắm tay ông lão và nói với ông những lời động viên, ông lão hấp hối nằm yên, không nói gì, nhưng tay ông vẫn không rời bàn tay chàng trai. Mặc những tiếng rì rì của bình ôxy, tiếng rên rỉ của các bệnh nhân khác và tiếng bước chân của các y tá trực đêm ra vào phòng, anh lính vẫn ngồi ngay ngắn bên ông lão.

Cô y tá, thỉnh thoảng ghé vào thăm nom các bệnh nhân, luôn bắt gặp anh lính trẻ thì thầm những lời an ủi vào tai ông. Nhiều lần, cô chủ ý nhắc anh chợp mắt một lát, nhưng anh đều từ chối.

Gần sáng, ông lão trút hơi thở cuối cùng. Người lính cẩn thận đặt bàn tay lạnh lẽo của ông lên giường và bước ra ngoài tìm cô y tá. Anh ngồi đợi trong lúc cô chuyển thi hài ông lão xuống nhà xác và làm những thủ tục cần thiết. Khi quay lại, cô y tá ngỏ lời chia buồn với anh, nhưng khi cô chưa dứt lời, anh đã ngắt ngang hỏi:
- Ông cụ này là ai vậy?
Cô y tá giật mình.
- Ông cụ là cha anh mà!
- Không phải đâu. Ông cụ ấy đâu phải là cha tôi. Tôi chưa gặp ông bao giờ cả.
- Vậy sao anh không nói khi tôi đưa anh đến gặp ông?
- Tôi biết là có sự nhầm lẫn từ người cấp phép cho tôi về nhà. Tôi nghĩ có lẽ con trai ông cụ và tôi trùng tên, trùng quê quán và có số quân giống nhau, do đó người ta mới nhầm như vậy. - Người lính giải thích. - Ông cụ rất muốn gặp con trai mình mà anh ấy lại không có mặt ở đây. Khi đến bên ông cụ tôi nhận ra là cụ đã yếu đến mức không còn phần biệt được tôi với con trai cụ nữa. Biết là ông rất cần có ai đó bên cạnh, nên tôi đã quyết định ở lại.


Nguồn : Hạt giống tâm hồn 1

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

CUỘC SỐNG VẪN CÒN Ý NGHĨA


Cuộc sống vẫn còn ý nghĩa

Tôi chỉ có một mình, nhưng tôi vẫn là một người; tôi không thể làm tất cả; nhưng tôi vẫn có thể làm điều gì đó; và vì không thể làm được tất cả nên tôi sẽ không từ chối làm bất cứ điều gì mà tôi có thể.

- Edward Everett Hale

Chăm sóc các bệnh nhân đột quỵ trong bệnh viện là một công việc có thể mang người ta đến hai cực của trạng thái. Bởi các bệnh nhân hoặc thường hết sức mang ơn khi được cứu sống hoặc chỉ muốn chết. Chỉ cần nhìn thoáng qua người bệnh ta sẽ biết tất cả.

Albert đã dạy tôi rất nhiều về ý chí nỗ lực.

Một buổi chiều, trong khi đang đi dạo loanh quanh các phòng bệnh tôi gặp ông nằm co tròn như một bào thai. Đó là một người đàn ông già nua, xanh xao, có cái nhìn như người chết, đang vùi nửa đầu dưới tấm chăn, ông ấy không hề nhúc nhích khi tôi tự giới thiệu, và cũng chẳng nói gì khi tôi hối ông đi ăn tối.

Một người phục vụ tại phòng y tá cho tôi biết một số thông tin về ông. Ông không có người thân và đã cao tuổi. Vợ ông đã qua đời, còn năm người con trai cũng khôn lớn và rời xa ông.

Có lẽ tôi nên làm gì đó để giúp cho ông. Là một y tá đã ly hôn, tuy hơi thấp người và đẫy đà một chút nhưng xinh xắn và đang tránh né những người đàn ông mà công việc không đòi hỏi phải tiếp xúc, tôi bắt đầu một kế hoạch khuyến khích ông.

Ngày hôm sau, tôi mặc một chiếc áo đầm trắng, không phải là bộ đồng phục y tá thường ngày. Tôi đến phòng Albert - căn phòng không mở đèn và các màn cửa đều kéo xuống.

Albert la hét đuổi các nhân viên ra ngoài. Tôi kéo ghế lại ngồi gần giường ông ta, bắt chéo đôi chân quyến rũ của mình, nghiêng đầu và nở một nụ cười hết sức duyên dáng.

- Hãy để mặc tôi. Tôi muốn chết.

- Anh làm như thế là có tội đó. Anh không nhận thấy phụ nữ độc thân chúng tôi còn đầy ra cả đấy hay sao?

Trông ông có vẻ bực mình. Tôi cứ huyên thuyên về việc tại sao tôi thích làm công việc săn sóc người ốm bởi nó khiến tôi phải theo dõi người ta đạt được tối đa tiềm năng của họ và như thế họ có nhiều khả năng làm được nhiều điều kỳ diệu... Ông cũng chẳng hé lấy một lời.

Hai ngày sau trong buổi họp giao ban, tôi được biết Albert đã hỏi thăm khi nào thì đến ca trực của tôi. Người y tá được giao trông nom ông đã ghép ông là "bạn trai" của tôi và đồn đại khắp bệnh viện. Tôi cũng chẳng tranh cãi về chuyện đó. Bên ngoài phòng bệnh, tôi bảo mọi người đừng quấy rầy "Albert của tôi".

Chẳng bao lâu sau ông bắt đầu chịu cử động, ông ngồi ở mép giường để tập giữ thăng bằng, tăng sức chịu đựng trong khi ngồi, ông đồng ý tập vật lý trị liệu nếu tôi quay lại chuyện trò.

Hai tháng sau, Albert lên khung tập đi. Đến tháng thứ ba, ông đã đi được bằng gậy. Vào những ngày thứ sáu, chúng tôi thường tổ chức liên hoan ngoài trời ăn mừng những bệnh nhân xuất viện. Albert và tôi đã cùng nhảy trong giai điệu du dương, tuy không ra dáng một người đàn ông lịch lãm cho lắm nhưng ông nhảy thật tuyệt. Lần nào ông cũng bịn rịn khi chúng tôi từ biệt nhau.

Rồi theo mùa lần lượt hoa hồng, hoa cúc và những bông đậu Hà Lan ngọt ngào đua nhau nở rộ. Albert xuất viện và trở lại cuộc sống làm vườn ông yêu thích.

Một buổi chiều nọ, có một phụ nữ xức nước hoa oải hương đáng yêu đến bệnh viện và yêu cầu được gặp "Người phụ nữ bị coi là mất nết".

Tôi được gọi ra gặp người phụ nữ ấy khi đang dở tay lau giường.

- Cô là người phụ nữ đã nhắc cho Albert của tôi nhớ rằng anh ấy là một người đàn ông!


Cô ta nghiêng đầu cười tươi và trao cho tôi một tấm thiệp cưới.

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI


Bước ngoặt cuộc đời

Chúng ta thường không đón nhận sự việc theo như tính chất của chúng: trái lại, chúng ta có khuynh hướng cảm nhận mọi biến cố theo cách thức chúng ta sống và suy nghĩ.

- Anais Nin

Tôi bắt đầu hiểu biết về hội chứng tự ký vào những năm 1940. Là con út trong nhà nên từ lúc mới bốn tuổi tôi đã biết anh Scott là một bí mật đau buồn của gia đình. Cả nhà bối rối đến mức luôn giấu biệt anh vào phòng ngủ mỗi khi có khách đến chơi.

Căn bệnh cùng nỗi đau mà anh Scott đang chịu đựng quá đỗi riêng tư để có thể chia sẻ với người khác. Tôi và các chị đã tìm mọi cách để rời khỏi gia đình càng nhanh càng tốt - kết hôn sớm hoặc vào đại học ở thành phố khác. Nhiều năm sau, có lần tôi nghe một nhà tâm lý học gọi hành động đó là "Trốn chạy ruột thịt". Quả đúng vậy, nhưng không phải anh Scott đã "đuổi" chúng tôi đi, mà chính là nỗi sợ hãi lẫn xấu hổ đã khiến chị em tôi không thể ở nhà nổi.

Ban đầu, thấy cha mẹ khốn đốn vì anh Scott, tôi nguyện sẽ không bao giờ có con, để đừng bao giờ phải làm cha một "đứa trẻ không bao giờ trưởng thành".

Nỗi sợ đeo đuổi tôi tới tận lúc tôi lập gia đình được 5 năm. Đứng trước nguy cơ mất đi người phụ nữ mình yêu, tôi quyết định có đứa con đầu lòng.

Ted có khởi đầu hoàn hảo, mọi xét nghiệm đều cho thấy bé không mắc phải khuyết tật bẩm sinh nào. Dù phải sinh mổ nhưng bé cũng được chín trên thang điểm mười theo bản đánh giá tình trạng trẻ sơ sinh - một nhà vô địch của phòng sinh!

Cho đến sinh nhật lần thứ hai, mỗi cử động và lời nói của Ted đều biểu hiện sự tinh khôn và sáng dạ! Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy thằng bé hơi khang khác.
Lời nói thì lạ lùng,
Ted không chơi với bạn cùng tuổi,
chỉ số phát triển trên đồ thị bắt đầu đi xuống,
nhưng tôi luôn tìm cách tự biện hộ.

Khi Ted tròn ba tuổi, một loạt những chẩn đoán kết luận: "tổn thương não", "khiếm khuyết hệ thần kinh" và cuối cùng là "hội chứng tự ký". Dù cố gắng đưa con tìm thầy thuốc chữa chạy khắp nơi, nhưng càng hiểu biết về căn bệnh này chúng tôi càng ít hy vọng. Dường như cơn ác mộng của tôi ngày xưa giờ đã thành hiện thực.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở hương tích cực thì vợ chồng tôi có những thế mạnh mà cha mẹ tôi không có - nghề nghiệp ổn định và học vấn tốt. Hơn nữa, xã hội đang dần công nhận quyền và nhu cầu của người khuyết tật, không như thời anh Scott bị giữ ở nhà suốt, vào thập niên 1970 con trai tôi được luật pháp bảo đảm được hưởng chế độ giáo dục thích hợp.

Y học cũng đã tiến bộ hơn. Giờ đây, khuyết tật của trẻ không còn bị cho là lỗi của cha mẹ nữa.

Nhớ lại quá khứ, tôi nhận ra rằng gia đình mình khi xưa đã sai lầm trong cách cư xử với anh Scott: anh không phải là "nỗi phiền muộn" của chúng tôi mà ngược lại - chúng tôi là "nỗi phiền muộn" của anh!

Tôi thừa nhận sự thật lúc nào cũng đau đớn, nhưng nỗi đau sẽ mang lại cho ta lòng quyết tâm và động lực vượt qua thử thách.
Đột nhiên tôi nghiệm ra một điều: sự việc xảy đến với ta có thể bị coi là một tai họa mà cũng có thể là một ân phúc - tất cả đều tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận nó như thế nào.

Những triệu chứng bệnh tật của Ted ngày càng lộ rõ. Vợ chồng tôi hợp sức cố gắng thông hiểu Ted, đồng thời quyết định không bao giờ che đậy hay mắc cỡ vì cháu. Khi đứa con thứ hai ra đời, cảm xúc và suy nghĩ của cháu ở cương vị của một người có anh trai không được bình thường đều được tôi lưu tâm với tất cả sự thông cảm sâu sắc. Cả hai đứa con tôi đều được ăn học tử tế, dù với Ted mọi việc có vất vả hơn gấp nhiều lần.

Đến sinh nhật lần thứ 22 của Ted, chúng tôi nhận thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ cho con bước vào thế giới người lớn. Cuối năm Ted sẽ tốt nghiệp. Cháu sẽ có một nguồn thu nhập tương đối từ các công việc bán thời gian và sự trợ giúp của chính phủ. Chúng tôi còn sửa sang lại tầng trệt của căn hộ cho Ted. Nhưng dường như cháu vẫn chưa hài lòng lắm. Mùa xuân năm đó, Ted thông báo:

- Con sẽ tham dự đêm khiêu vũ toàn trường.

Chuyện phức tạp ở chỗ Ted khó có thể tự mình mời một cô gái nào đi cùng. Từ hồi 18 tuổi, trong khi bạn bè đều đã có đôi thì các cô gái lại gọi cháu là "em cưng" và chẳng ai chịu hò hẹn với cháu. Tuy thế, cuối cùng Ted cũng đã có được bạn nhảy - Jennifer, một cô gái dễ thương tóc vàng, con một người bạn của gia đình. Cô bé đã gặp gỡ và tỏ ra mến Ted, đồng thời cũng hiểu được buổi dạ vũ này có ý nghĩa như thế nào đối với cháu.

Chúng tôi giúp Ted chuẩn bị cho buổi tối trọng đại này. Vợ tôi hấp tẩy bộ dạ phục cho Ted còn tôi tình nguyện làm tài xế cho hai cô cậu. Ted còn lên kế hoạch đi ăn tối với Jennifer trước khi đến trường. Và thậm chí cả hoa để tặng cho Jennifer nữa.

Chỉ cần hai phút là tôi có thể đặt mua hoa cho con, nhưng tôi muốn Ted tự làm lấy. Tôi đau đớn tự hỏi không biết con trai mình còn có cơ hội nào khác để tặng hoa cho một phụ nữ nào nữa không. Trước khi đến cửa tiệm, chúng tôi đã tập đi tập lại cho Ted cách nói với người bán hoa. Tôi đóng vai người bán hoa, mời Ted vào "cửa hàng ảo" của tôi. Sau đó, chúng tôi bước sang tiệm bán hoa gần nhà.

Thấy có người đến, cô bán hoa ngưng việc cắt tỉa và chú ý đến chúng tôi. Tôi nhìn Ted và chờ đợi con mình lên tiếng. Cả cửa hàng trở nên im ắng lạ thường. Toàn thân Ted cứng đờ. Nhưng rồi khuôn mặt Ted chuyển động và lời nói tuôn ra:

- Tôi là Ted. Tôi đến đây để thuê những bông hoa màu tía.

Cô bán hoa có vẻ giật mình. Cô liếc nhìn tôi khi tôi bình tĩnh nhắc:

- Con hãy cố gắng nói lại lần nữa đi.

Cháu hít thở thật sâu rồi nhíu mày. Tôi khuyến khích Ted bình tĩnh và nói thật chậm. Cuối cùng cháu cũng giải thích được. Một bó hoa hồng đỏ sẽ được giao vào chiều thứ bảy theo ý Ted. Nhưng tôi đã không hề nghĩ đến phản ứng của cô gái bán hoa.

- Ông kiên nhẫn thật đấy! - Người bán hoa trầm trồ thán phục tôi.

Không! Tôi chỉ muốn la lên đó không phải là kiên nhẫn mà là "hiểu rõ vấn đề". Với chúng ta, mỗi khi nói hệ thần kinh truyền tín hiệu từ ngân hàng dữ liệu trong bộ nhớ đến trung ương thần kinh, rồi lại chuyển tín hiệu đến dây thanh quản và quay lại. Nhưng Ted phải dày công tập luyện những bước nhỏ này, vất vả lội ngược dòng để tìm đến những điều mà những người khác tự nhiên có. Cô bán hoa đã khâm phục nhầm người! Cô đâu biết rằng Ted đã phải vượt qua bao gian khổ, đắng cay và kiên trì như thế nào mới đạt được như thế.

Tối thứ bảy, sau khi đưa Ted và Jennifer đến trường, tôi gọi điện cho chị mình. Hai chị em cùng nhắc lại cuộc đời u ám của anh Scott lẫn những tiến bộ đáng kinh ngạc của Ted. Và, chúng tôi bật khóc.

Sau này, tôi đặt bức ảnh chụp Ted và Jennifer trong đêm dạ vũ tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Trên tay Jennifer là bó hoa hồng đỏ thắm.


Nguồn : Hạt giống tâm hồn 1

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

GIEO GÌ GẶT NẤY

CHỊU ĐỰNG LẪN NHAU


CHỊU ĐỰNG LẪN NHAU
Trong một tiểu luận về ngày Valentine—ngày Lễ Tình Nhân, Carl D. Windsor đã viết: “Ngay cả những cặp vợ chồng hòa hợp nhất, cũng sẽ thỉnh thoảng trải qua những cơn sóng gió.”

Một bà lão nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, đã thuật lại bí quyết của bà để giữ cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. 

Bà nói, “Trong ngày cưới, tôi quyết định sẽ viết một danh mục “Vì Hạnh Phúc Gia Đình”. 
Ở đó liệt kê Mười Lỗi Lầm của chồng tôi mà tôi sẽ bỏ qua để gia đình êm ấm. 
Nghĩa là khi nào chồng tôi phạm một trong mười lỗi có ở danh mục ấy, thì tôi sẽ sẵn sàng tha thứ. Nhưng tôi không cho ông ấy biết danh mục gồm những lỗi lầm nào.”

Nghe vậy, một vị khách muốn bà cho biết nội dung của danh mục đặc biệt ấy. 
Bà hóm hỉnh trả lời với một nụ cười thật duyên dáng của tuổi bảy mươi: 
“Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ viết ra cái danh mục đó cả. Nhưng hễ mỗi khi ông ấy làm một điều gì đó khiến tôi tức điên lên, thì tôi tự nhủ, “May mắn cho ông đó, vì lỗi nầy có nằm trong danh mục “Hạnh Phúc Gia Đình”!

Thật đáng yêu thay tâm hồn của người vợ mẫu mực trên đây. Nơi đó toát lên một sức chịu đựng bền bỉ, một tinh thần vị tha, một thái độ nhu mì. 

Sự tha thứ và chịu đựng không làm giảm giá trị của nhân cách, không xúi giục người khác lầm lỗi thêm, nhưng nó tạo nên sức mạnh của lòng tin tưởng lẫn nhau và sự thu hút mãnh liệt người khác vào quỹ đạo của tình yêu!

Chúng ta xét nét với nhau nhiều quá, dễ dàng hằn học với nhau quá! Sức chịu đựng nhau mỗi ngày một yếu đi, và bất cứ một việc mâu thuẫn cỏn con nào cũng có thể trở thành ngòi nổ cho xung đột! 

Hãy ngắm xem những gì Chúa Giêsu đã chịu đựng đối với lỗi lầm chúng ta để chúng ta có thể chịu đựng nhau hơn, nhân từ với nhau hơn.

“Vậy, anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục.” Cô-lô-se 3:12.

Trích: Chắp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao
 Tác giả: Mục Sư Dương Quang Thoại

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

MỘT ÁNH SÁNG NHỎ


MỘT ÁNH SÁNG NHỎ

Có một ngôi thánh đường nhỏ bé nằm trơ trọi trên ngọn đồi đá cao bên bờ biển Tô Cách Lan, một quốc gia nổi tiếng với những bờ biển gập ghềnh và nghề đánh cá truyền thống. Một đêm mùa đông, nhà thờ có buổi nhóm cầu nguyện, nhưng thời tiết quá khắc nghiệt, gió rít từng cơn, mưa to và giông gió. Dầu vậy, vị mục sư vẫn quyết định đi lên thánh đường, dù vợ ông cố thuyết phục ông ở nhà. Bà nghĩ rằng sẽ chẳng có ai đến nhóm họp cả. Nhà của ông ở dưới chân núi. Ông thu mình trong chiếc áo ấm, bên ngoài có áo mưa rộng, nặng nhọc leo dốc, chiếc đèn cầm chắc trong tay. Đến nơi, ông mở cửa nhà thờ, thắp sáng các ngọn đèn, rồi ngồi chờ đợi! Không có một người! Ông nghĩ: “Mưa lớn quá, không trách tín đồ được!” Thế là ông quì cầu nguyện cho mọi người, rồi đóng cửa nhà thờ, trở về.

Tưởng như đêm ấy qua đi, nhưng câu chuyện đã không chấm dứt ở đó. Ít ngày sau, một ngư phủ đến thăm mục sư, cho biết rằng đêm hôm đó, chiếc tàu đánh cá của ông ta ở ngoài khơi về muộn. Mưa dữ dội làm thu hẹp tầm nhìn, ông muốn vào bờ nhưng không nhìn thấy gì cả, nhiều lần lại cho thuyền đi ngược ra khơi vì chung quanh chỉ toàn là bóng tối. Tưởng đã buông xuôi trong cơn vật lộn với giông gió, không ngờ ông ta nhìn thấy ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ các cửa sổ trên nhà thờ, chính ánh sáng ấy đã giúp ông định hướng.

Có những công việc thật tình cờ của chúng ta, nhưng đã mang lại hạnh phúc cho người khác. Tuy nhiên, những câu chuyện khích lệ như thế chỉ thường xảy ra với những ai thành tâm chu toàn một cách siêng năng những bổn phận bình thường hằng ngày của mình. Không cần đòi hỏi phải có một ánh sáng lớn rồi mới chiếu rọi, ánh sáng Chúa ban cho bạn thế nào, hãy soi ngay tại vị trí của mình. Rồi bạn sẽ thấy những kết quả vô cùng lớn lao, ngoài cả sự suy tưởng.

“Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà.” Ma-thi-ơ 5:14, 15

Trích: Chắp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao

Tác giả: Mục Sư Dương Quang Thoại