Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Suy Niệm Phúc Âm 5/1/2019

5.1.2019 – Mùa Giáng sinh

Các thiên thần của Thiên Chúa 

PHÚC ÂM: Ga 1, 43-51
“Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”.
Khi ấy, Chúa Giêsu định đi Galilêa. Người gặp Philíp và nói với ông: “Hãy theo Ta”. Philíp là người thành Bếtsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô. Philíp gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philíp nói: “Hãy đến mà xem”. Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael nói: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philíp gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”.
Và Người nói với ông: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Suy NIệm Phúc Âm 4.1.2019

4.1.2019 – Thứ Sáu đầu tháng

Hãy đến mà xem

PHÚC ÂM: Ga 1, 35-42
“Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế”.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”.
Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”, và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

Suy niệm :

“Đây là Chiên Thiên Chúa” (c.35). 
Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế 
khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua. 
Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32). 
Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15.30). 
Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại, 
ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn. 
Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình. 
“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ 
đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen. 
Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức. 
“Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?” 
Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy. 
“Hãy đến và các anh sẽ thấy”. 
Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình. 
Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ. 
Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình. 
Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại. 
Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi. 
Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa. 
Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen. 
Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà, 
họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu, 
kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được. 
Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy, 
và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm. 
“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô. 
Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên. 
Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu. 
Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi, 
nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài. 
Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng. 
Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c.42). 
Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu. 
Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng: 
Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69). 
Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người. 
Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp, 
nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu. 
Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu, 
để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.

Cầu nguyện :

Lạy Thầy Giêsu, 
Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời. 
Thầy gọi các môn đệ theo Thầy 
đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin. 
Thầy không mở trường, không viết sách. 
Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy, 
bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn. 
Thầy dạy học trên đường. 
Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày 
với cái nhìn của Thiên Chúa. 
Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo, 
thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời. 
thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ. 
Thầy tập cho họ trưởng thành, 
tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió, 
tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông, 
tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn. 
Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh 
khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất, 
Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy, 
và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt. 
Lạy Thầy Giêsu, 
Khoa sư phạm của Thầy là huấn luyện môn đệ bằng tình yêu. 
Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng. 
Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công. 
Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ. 
Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy 
khi cúi xuống rửa chân cho họ. 
Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy, 
nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con. 
Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian, 
để làm cho muôn dân thành môn đệ. 
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Suy niệm Phúc Âm 3/1/2019

3.1.2019 – Danh Thánh Chúa Giêsu – Mùa Giáng sinh

3.1.2019 – Danh Thánh Chúa Giêsu – Mùa Giáng sinh

Tôi đã thấy

PHÚC ÂM: Ga 1, 29-34
“Đây Chiên Thiên Chúa”.
Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi’. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel”.
Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.
Suy niệm:
Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:
“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).
Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,
Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.
Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),
dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),
nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá
Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu
lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.
Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,
Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.
Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).
Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.
Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,
thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.
Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng. 
Biết một người là chuyện khó. 
Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều. 
Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này, 
nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo. 
Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình. 
Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. 
Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng. 
Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường, 
qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp. 
Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.
Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô.
để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,
là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,
là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,
thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống
có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Suy niệm Phúc Âm 2/1/2019

PHÚC ÂM: Ga 1, 19-28
“Có một Đấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng đó đã có trước tôi”.
Đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêru-salem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” – Gioan đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Suy niệm:
Người ta chỉ lớn lên khi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình.
Người ta chỉ lớn thật sự khi không còn coi mình là trung tâm.
Trung tâm được đặt nơi Thiên Chúa và tha nhân.
Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng
trong con cái loài người, không ai lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11,11).
Gioan lớn vì ông là vị ngôn sứ giới thiệu trực tiếp Đấng Mêsia.là Đức Giêsu,
một điều mà không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước được diễm phúc làm.
Nhưng Gioan cũng lớn vì ông đã chấp nhận nhỏ đi :
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cách Gioan làm mình nhỏ lại.
Khi Gioan đã nổi tiếng bởi lối sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ,
thì người Do-thái, người Pharisêu, sai các tư tế và các thầy Lêvi
từ Giêrusalem đến với Gioan đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan.
Họ muốn biết ông Gioan là ai.
Gioan đã không nhận mình là Đấng Kitô, hay Êlia tái giáng (Ml 4,5), 
hay vị Ngôn Sứ cao cả đã được ông Môsê loan báo (Tl 18, 15.18),
mặc dù có người đã nghĩ ông là như vậy.
Những lời từ chối của Gioan càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn.
“Tôi không phải là Đức Ki tô. – Tôi không phải là.- Không.”
Gioan từ chối những chức danh mà nhiều người thèm muốn.,
bởi lẽ ông biết rõ mình là ai.
Khi bị bắt buộc phải đưa ra một câu trả lời về con người của mình,
Gioan đã chọn câu của ngôn sứ Isaia (40, 3).
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa.
Hãy sửa cho thẳng con đường của Chúa.”
Gioan nhận mình chỉ là người dọn đường cho một Đấng đến sau,
Đấng ấy là người ông không xứng đáng cởi quai dép.
Cởi quai dép của chủ là việc chỉ dành cho người nô lệ thấp kém nhất.
Gioan là người làm chứng tuyệt vời về ánh sáng (Ga 1, 7-8).
Ông là “tiếng” làm chứng cho “Lời” là Con Một Thiên Chúa.
Cám ơn Gioan vì nhờ ông mà ta gặp được Ánh Sáng thật.
Cám ơn Gioan vì tiếng của ông dẫn ta đến với Lời của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Augustinô)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.