Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

SỨC MẠNH CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI (tt)


Sống giây phút hiện tại một cách càng ngày càng triệt để, sẽ đem lại cho ta niềm vui sống, và làm năng suất ta ngày càng tăng.
Roger, một tâm lý gia Hoa Kỳ, đã giữ một vai trò quan trọng trong những năm 1970-1980, quả quyết rằng:
Một giây phút trong cuộc sống đều mang tính mới mẻ nếu chúng ta không bị cơ chế phòng thủ chi phối.
Ngày mai ra sao, sao mà biết được? Ngày mai được thể hiện bằng những gì ta sẽ nghĩ, sẽ làm. Chỉ việc chờ nó tới, nó đang lao về phía ta, và ta không thể tránh nó được. Ngay lúc này, ta không biết gì về tương lai và ngày mai cả.
Cái tôi, cái bản ngã nổi lên từ những kinh nghiệm thu thập được từ mỗi giây phút hiện tại. Thay vì phí thì giờ tự hỏi mình, tự gieo nghi hoặc cho mình, hay tạo ra những tâm tình tội lỗi về quá khứ, mơ mộng những kế hoạch cho tương lai bấp bênh, ta nên cố gắng sống tràn đầy giây phút hiện tại bằng cách hành động tích cực đầy giá trị.
Tôi quen một thanh niên kia có nhiều trọng trách. Trong cùng một ngày nọ anh nhận được tin người thân bị đau nặng, nghe cấp trên phê bình chua chát về cách xử sự và làm việc của mình, thậm chí bị nghi ngờ về sự ngay thẳng của mình. Bị bất hạnh chồng chất, anh nao núng và bị cám dỗ đổi môi trường làm việc. Anh hồi tưởng lại, hướng về Thiên Chúa để lấy lại can đảm, hồi phục lại lòng tự tin. Anh tìm lại được nụ cười và đơn sơ thú nhận: 
Tôi lưu tâm mọi sự.
       Cuộc đời là như thế.
       Vấn đề là lại tiếp tục
       Những gì còn tuỳ thuộc vào ta. 
Lắm lúc chúng ta có vẻ là những tay bơi, học mọi kỹ thuật bơi qua sách vở, theo lối hàm thụ, hay theo những khoá học, mà không bao giờ đi đâu để tắm ngoài phòng tắm. Chúng ta biết thao thao bất tuyệt nói về nghệ thuật bơi, nhưng khi xuống nước là chúng ta chìm lỉm.
Đừng mất thì giờ tiếc nuối quá khứ, hay cằn nhằn trách móc những người đáng lý phải giúp đỡ ta, cũng đừng lo sợ tương lai, than vãn vì ta thiếu chuẩn bị. Hãy tập lấy thói quen làm điều gì tích cực ngay giây phút hiện tại.
Rất nhiều người không biết nghỉ xả hơi, không biết tạo cho mình những cơ hội nghỉ ngơi, họ làm ra vẻ quá quan trọng, những động tác nhỏ nhất của họ cũng được gán cho một tầm quan trọng quá đáng. Họ tỉ mỉ, cầu toàn, vì quá chú trọng đến tiểu tiết nên họ không sao tiến bộ được, không tiến hoá cũng không biến đổi được.
Người cầu toàn cũng như người tỉ mỉ, đều là những người quá mức cẩn thận, họ quá chậm chạp, họ trở nên đình trệ, thay vì những lanh lợi. Họ làm giây phút hiện tại bị đông cứng bằng cách biến mình thành thụ động.
Khi muốn nói: đừng có ai làm ra vẻ quan trọng cả, ta nên nói một cách đơn sơ: hãy cẩn thận, nhưng đừng tỉ mỉ. – Hai câu nói đó giống nhau, nhưng động lực trong hai câu khác nhau: một đàng không chịu tiến bộ bao lâu chưa đạt được động tác hoàn hảo, một đàng chỉ muốn đỡ mệt óc bằng cách chuyên chú vào việc khác.
Giây phút hiện tại không thể là thời điểm cứng ngắc, không thể lay chuyển, bị cố định trong một tình trạng bị kiểm soát, một là giai đoạn phù hợp với nhu cầu và cách sống của ta.
Chúng ta phải mở rộng tâm trí đón nhận những gì hiện đang xảy ra lúc này. Roger nói như vậy.
Nếu chúng ta gặp nhiều khó khăn không cho phép chúng ta sống giây phút hiện tại, là vì chúng ta chờ đợi quá nhiều chuyện phi thường trong tương lai.
Chúng ta quên rằng thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời là giây phút hiện tại, và cả cuộc đời ta không bao giờ có giây phút nào quan trọng hơn giây phút hiện tại. Không bao giờ ta sẽ có được giây phút nào hạnh phúc hơn giây phút hiện tại, giây phút mà ta có thể từ đó tự phát rút ra hạnh phúc và niềm vui của mình.
Cuộc sống chính là bản thân ta, là thái độ hiện có của ta, là cách hiện tại ta đang xử sự đối với chính mình, đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa.
Cuộc sống giống như một xâu chuỗi Môi khôi, mỗi hành động là một hạt đang len lỏi qua các ngón tay ta nhịp theo lời kinh ta đọc. Mỗi hành động có tầm quan trọng riêng của nó khi nó được sắp xếp để thể hiện trong giây phút hiện tại của ta.
Thật khó mà tin được rằng trong khi muốn xây dựng tương lai ta lại bỏ phí mất thì giờ của mình, nhưng nếu ta không tận dụng thật sự giây phút hiện tại, thì chính là ta đã bỏ phí thì giờ. Hôm nay ta biết những gì ta phải làm, ta biết mình đang xây dựng sự nghiệp của mình, vì cứ mỗi giây phút hiện tại là một viên gạch để xây dựng công trình ấy. Ta cần gì hơn nữa?
Những hành động thường ngày không nhằm phô trương được thực hiện một cách đơn sơ trong môi trường ta đang sống, giữa những người bình thường, lại đóng góp một phần lớn vào hạnh phúc thường ngày của ta.
Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà chúng ta tự tạo cho mình qua cách chúng ta đón nhận và sử dụng giây phút hiện tại.
Nguồn mạch hạnh phúc ở ngay trong ta hơn là ở chung quanh ta. Hạnh phúc là niềm vui, là sự triển nở mà ta cảm nhận được ngay trong bản thân ta khi ta chấp nhận tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, vào tha nhân, vào xã hội và vào đủ các loại biến cố xảy tới.
Giây phút hiện tại là biểu đồ của cuộc sống chúng ta, là luật lệ cho hạnh phúc thường ngày của ta, là nguồn phát sinh ra ảnh hưởng mà chúng ta có được trong môi trường sống của mình, bất chấp ngoại cảnh, dư luận, những người khác bị dao động chung quanh ta.
Ngạn ngữ Ái Nhĩ Lan có câu:
       Nếu bạn chấp nhận mọi người
       đúng như tình trạng của họ hiện nay,
       họ sẽ ngọt ngào đón tiếp bạn.
Tại sao chúng ta lại không áp dụng ngạn ngữ này cho giây phút hiện tại!
Cái tật ưa đổi thay, thích lăng xăng, hiếu động, giẫm chân lên nhau để làm ta rời khỏi giây phút hiện tại.
Lo âu, sợ sệt, nuối tiếc, hối hận, ù lì cũng kéo ta ra khỏi hiện tại, tước của chúng ta toàn bộ sức lực để kháng cự, chiến đấu.

SINH HOA TRÁI

22.9.2018 – Thứ Bảy Tuần 24 TN B

***

Lời Chúa: Lc 8, 4-15

Khi ấy, người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Ðức Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết qủa gấp trăm.” Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.” 
Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu. Ðây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và trong thời thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt giống rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt giống rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”
Suy niệm: Với tấm lòng cao thượng
Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi. 
Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió, 
có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô, 
và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi. 
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ. 
Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa. 
Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt. 
Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong. 
Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái? 
Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ. 
Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế. 
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một. 
Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15), 
nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình. 
Nhưng có Lời bị đánh cắp. 
Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe 
vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12). 
Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5). 
Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng? 
Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa. 
Nhưng có Lời không mọc rễ. 
Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ. 
Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây. 
Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng, 
nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới. 
Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go, 
vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ. 
Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta, 
và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn. 
Nhưng có Lời bị chết ngộp. 
Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này, 
những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang. 
Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi. 
Cuối cùng có Lời được nắm giữ. 
Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại, 
Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng. 
Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong, 
cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi. 
Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống. 
Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ. 
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại, 
bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, 
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa 
và dạy con bước đi 
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. 
Xin truyền cho con sức mạnh của Người. 
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con 
tìm lại được sức trẻ 
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh 
cho một thế giới mới 
Ước gì mồ hôi con 
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu. 
Ước gì máu con 
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ 
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn 
vì bất công và ích kỷ. 
Chúc tụng Chúa là Cha, 
đã dẫn con đi đến cùng, 
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung 
với tràn trề bình an và niềm vui. 
(ĐHY Roger Etchegaray) 
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Sức mạnh của giây phút hiện tại


Chắc chắn rằng những phương tiện truyền thông đại chúng như: máy thu thanh, truyền hình, nhật báo, các loại tạp chí, với những bài tường thuật và mô tả những tai ương, thảm hoạ, tai nạn, khủng bố, chiến tranh giữa các quốc gia... cuối cùng chỉ đập vào thần kinh của ta, gây cho ta những âu lo căng thẳng.
Những ai bị một xã hội thảm não về thần kinh như thế xô đẩy sẽ thất vọng và sẵn sàng tự huỷ hoại xác thân mình, vì họ không còn làm chủ được đời sống tinh thần của họ nữa.
Chúng ta bị quá tải vì hoạt động, khiến chúng ta trở nên dị ứng với mọi thứ suy tư, khiến chúng ta không còn khả năng suy nghĩ, hoạch định chín chắn, thưởng nếm sự yên tĩnh, tìm an nghỉ nơi thanh vắng. Chúng ta đang bị xô đẩy vào một cơn lốc dao động không thể chế ngự được, và chúng ta không còn vui thú để sống nữa.
Đối với nhiều người giây phút hiện tại là một ngôi mộ, nơi họ chôn những ý tưởng vô vọng, những kế hoạch bất thành, những sáng kiến vừa đưa ra đã chết.
Giây phút hiện tại không còn một giá trị thiết yếu, một dụng cụ để sống, mà chúng ta dùng để xây dựng bản thân, và để hình thành nhân cách của ta.
Cứ thường xuyên sống trong sợ hãi, sợ không thành công, chúng ta sẽ dễ bị thương tổn, những cơ chế phòng ngự của ta không lúc nào hết việc, những sức ép liên tiếp nhau sẽ khiến ta căng thẳng và thường xuyên mất tự chủ.
Ta trở nên gắt gỏng, bực bội, bồn chồn, hay chấp chiếm không thể tìm được nơi kẻ khác những thiện chí, những động lực chính đáng, và ta sẽ dùng những từ ngữ phá hoại làm tổn thương người khác, phá huỷ những liên hệ giữa người và người, tự nhiên nhất và cũng cần thiết nhất.
Ta tự trồng cho mình một khu rừng không sao chịu nổi, để cuối cùng ta nghi ngờ tất cả, nghi ngờ cả chính mình, và ta còn đi đến chỗ tự hào vì gây được khó khăn cho chính những bác sĩ tâm thần.
Tự gây khó cho mình, tự làm mình rắc rối, kể lể chuyện mình, nói xấu người khác, đã trở thành một thái cực thu hút mọi bận tâm tinh thần và trí tuệ. Ta không còn lối thoát, vì ta đốt đèn cầy cả hai đầu.
Mọi sự đều lôi kéo ta ra khỏi giây phút hiện tại, là điểm tựa thật sự, là phi đạo tự nhiên của ta, để ta cất cánh và bay vút lên tới một khung trời tươi sáng hơn...
Cuộc chạy đua nóng sốt của con người đang gia tốc nhịp độ để kéo ta ra khỏi giây phút hiện tại, để gắn chặt ta vào quá khứ, vào những kinh nghiệm thương đau của đời ta. Cứ âu lo vì những bấp bênh bất ổn của mình, ta sẽ tự đầu độc tương lai của mình.

THEO CHÚA...

21.9.2018 – Thứ Sáu Tuần 24 TN B- 

Thánh Matthêô, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng

***

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêô đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. 
Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe như thế, Ðức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Suy niệm: Đứng dậy đi theo
Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc. 
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi, 
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22). 
Khi Thầy gọi Matthêô, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế. 
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình, 
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu. 
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh. 
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!” 
Matthêô không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động. 
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy. 
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh. 
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết. 
Matthêô nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3). 
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm. 
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện, 
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải. 
Matthêô có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không? 
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không? 
Hôm nay chúng ta mừng lễ Tông đồ Matthêô, 
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng. 
Matthêô làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt, 
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng. 
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân, 
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại. 
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Matthêô đã trở nên người phục vụ đồng bào. 
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng. 
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia. 
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi! 
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước. 
Matthêô đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được. 
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông. 
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay, 
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới, 
để thế giới nghe và hiểu được. 
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay, 
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại. 
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ? 
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt, 
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12). 
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì? 
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không? 
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy 
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc. 
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu, 
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, 
xin sai chúng con lên đường 
nhẹ nhàng và thanh thoát, 
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân 
hay vào những phương tiện trần thế. 
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm : 
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, 
chữa lành những người ốm đau. 
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng 
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, 
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. 
Xin ban cho chúng con khả năng 
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. 
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ 
của bao người đau khổ thể xác tinh thần. 
Lạy Chúa Giêsu, 
thế giới thật bao la 
mà vòng tay chúng con quá nhỏ. 
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau 
mà tin tưởng lên đường, 
nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen. 
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

KHÔNG TƯỞNG HAY DIỆU KỲ


Ta được Chúa ban giây phút hiện tại 
      là để tạo nên những diệu kỳ.

Ngày hôm nay hoàn hảo
      sẽ ảnh hưởng đến ngày mai xa lạ
      và sửa chữa ngày hôm qua thiếu sót.


Thiên Chúa đã giới hạn con người
      đến độ y chỉ làm chủ được
      có giây phút hiện tại mà thôi.


Nếu con người muốn sửa lại quá khứ,
      y phải sống giây phút hiện tại
      sao cho thật hoàn hảo.
Ngày nào cũng tìm niềm vui để sống
      với nghị lực của bầy ong
      bay thật xa để tìm những bông hoa
      đem phấn về biến chúng thành mật ngọt.


            Biết bao người đôn đáo suốt cuộc đời
                  lam lũ đến bỏ ăn mất ngủ
                  khiến đầu óc căng thẳng cực độ
                  chỉ vì muốn đạt đỉnh cao
                  giàu sang, lạc thú, quyền uy vang lừng,
                  nhưng thảm thay chẳng hề đạt tới
                  rồi chết đi chẳng bao giờ hạnh phúc.


            Quên hiện tại để khóc than dĩ vãng
                  chỉ mất giờ và huỷ hoại thân mình,
                  gia tăng tiếc nuối cùng mặc cảm tội lỗi
                  vừa vô ích lại vừa thêm hại.


             Quên hiện tại chỉ lo lắng tương lai
                   là hão huyền, mơ mộng và không tưởng.


             Muốn hạnh phúc ta phải chăm chú
                   đến mọi người ta chung đụng suốt ngày,
                   cố tìm ra nơi họ những điều tích cực
                   hoặc thái độ, hoặc phán đoán,
                   hoặc một nét dễ thương của họ. 


              Một lần nói với người quen thuộc
                    phải nói cho sáng suốt rõ ràng
                    dùng thông minh cùng trí tưởng tượng,
                    diễn tả sao người nghe mát ruột.


              Tha nhân ta gặp trên đời
                     khác nào ong được gặp hoa trên đường                                                                                               
                     ta đến với họ
                     chỉ để khám phá
                     những gì tốt đẹp nhất họ có được mà thôi.

Gợi ý:

      Trong số bạn hữu ta
      có những người sống bằng dĩ vãng
      hay tương lai
      và rất ít người sống bằng hiện tại.


      Đôi khi bạn nghe thấy
      những người tuổi 35 nói với bạn:
      “Vào thời của tôi,
      người ta không hành động như ngày nay”.


      Cuộc đời ngắn ngủi quá,
      đến độ ta không thể tin được rằng
      mình lại bị vượt qua nhanh như thế!

YÊU MẾN NHIỀU...

20.9.2018 – Thứ Năm Tuần 24 TN B

***

Lời Chúa: Lc 7, 36-50

Khi ấy, có người thuộc nhóm Pharisêu mời Ðức Giêsu dùng bữa với mình. Ðức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Ðức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Ðức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người nợ năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nhiều hơn?” Ông Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Ðức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.” Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn chào tôi được một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Ðức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được cả tội?” Nhưng Ðức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Suy niệm: Chị hãy đi bình an
Chỉ Luca mới nói đến chuyện các người Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa. 
Họ mời Đức Giêsu dự tiệc ba lần (7, 36; 11, 37; 14, 1). 
Họ còn báo cho ngài biết về việc Hêrôđê toan ám hại ngài (13, 31). 
Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác cảm với Đức Giêsu. 
Hôm nay Đức Giêsu là khách mời của ông Simon. 
Ngài chẳng ngại đáp lại lời mời của một người thuộc phái Pharisêu, 
cũng như ngài đã chẳng sợ làm bạn với người thu thuế và tội lỗi (Lc 7, 34). 
Khi ăn tiệc lớn ở xứ Palestine thời đó, 
các vị khách thường ngả người nằm trên những chiếc ghế dài, có gối, 
chân đưa ra ngoài, tay trái dùng để tựa, còn tay phải để lấy thức ăn. 
Khi nhà có đại tiệc, người ngoài được tự do ra vào. 
Bất ngờ có một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng tiệc. 
Người ta nhận ra chị là một người tội lỗi sống trong thành phố, 
nhưng không chắc chị có phải là một cô gái điếm không. 
Chị cố ý đến đây vì biết Đức Giêsu đang có mặt trong bữa tiệc. 
Đây là người mà chị đã từng gặp và đã nhận được ơn tha thứ. 
Chị đã chuẩn bị khá kỹ và biết rất rõ việc mình sắp làm cho Ngài. 
Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (c. 37). 
Đứng ở gần chân Đức Giêsu, chị bật khóc nức nở. 
Nước mắt chị làm ướt chân Ngài. 
Những giọt nước mắt ăn năn vì tội lỗi quá khứ, 
hay vui sướng vì biết mình đã đựoc thứ tha ? 
Sau đó chị cởi khăn choàng đầu và xõa tóc để lau khô chân Đức Giêsu. 
Cuối cùng, chị còn hôn lên chân và xức dầu thơm nữa. 
Nói chung, những cử chỉ táo bạo của chị thật hết sức chướng mắt 
đối với những người dự tiệc trong xã hội thời đó (và bây giờ cũng vậy !). 
Xõa tóc trước công chúng là điều phụ nữ Do Thái không được phép làm, 
vuốt ve và hôn chân một người đàn ông hẳn là những cử chỉ khêu gợi. 
Hơn nữa, chị lại là một người tội lỗi có tiếng trong thành. 
Một con người nhơ uế như chị khi đụng chạm sẽ làm người khác nhơ uế. 
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Simon nghĩ thầm: 
“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn ông phải biết 
người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, vì chị ta là một người tội lỗi.” 
Đức Giêsu có biết không? Nếu không, thì Ngài không phải là ngôn sứ. 
Nhưng nếu Ngài biết, mà ngài lại cứ để chị làm như vậy, 
thì còn gì là danh dự của ông Simon và của chính Ngài nữa! 
Đức Giêsu biết chị là ai, biết cả điều Simon thầm nghĩ (x. 5, 21-22; 6, 7-8). 
Ngài không phản ứng gì vì ngài hiểu ý nghĩa điều chị làm. 
Đó không phải là cử chỉ khêu gợi của một cô gái làng chơi, 
nhưng là những hành vi diễn tả lòng biết ơn của người được tha thứ. 
Đức Giêsu hiểu những giọt nước mắt của chị, vừa hối hận, vừa hạnh phúc. 
Ngài hiểu cả những cử chỉ có vẻ quyến rũ của chị trên đôi chân mình: 
rửa chân bằng nước mắt, lau chân bằng tóc, hôn chân và xức dầu thơm. 
Ngài đọc thấy trong đó lòng trân trọng và biết ơn. 
Đó là sự trào dâng không thể cưỡng lại được của tâm tình yêu mến. 
Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử chỉ ấy. 
Và Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim thanh khiết của mình. 
Để soi sáng cho ông Simon hiểu về hành động của người phụ nữ, 
Đức Giêsu kể cho ông nghe một dụ ngôn kèm theo một câu hỏi (cc. 41-42) 
Hai người cùng mắc nợ, một người 500 quan tiền, một người 50. 
cả hai cùng được chủ nợ tha vì họ không có gì để trả. 
“Vậy trong hai người đó, ai sẽ yêu mến chủ nợ hơn ?” 
Câu hỏi chẳng có gì khó đối với Simon và ông đã trả lời đúng. 
Ta nên lưu ý: yêu mến ở đây có nghĩa là biết ơn. 
Tự nhiên người được tha nhiều thì sẽ biết ơn nhiều, kẻ được tha ít sẽ biết ơn ít. 
Dụ ngôn đơn giản của Đức Giêsu được áp dụng vào thực tế. 
Rõ ràng là chị phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu hơn ông Simon. 
Đức Giêsu làm một so sánh giữa cách tiếp đón của hai người (cc.44-46). 
Simon đã chẳng cho Ngài nước để rửa chân, chẳng hôn, chẳng xức dầu trên đầu. 
Dĩ nhiên đó chẳng phải là những đòi hỏi bắt buộc khi tiếp khách, 
nhưng dù sao cách tiếp khách của Simon cũng nhạt nhẽo hơn so với chị kia. 
Câu 47 là một câu quan trọng để hiểu đúng ý của đoạn Tin Mừng này. 
Câu này trước đây thường được dịch như sau: 
“Tội của chị ấy tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì (hoti) chị đã yêu mến nhiều. 
Còn ai được tha ít thì yêu mến ít,” 
Dịch như thế dễ gây hiểu lầm rằng vì yêu nhiều nên chị được tha nhiều. 
Thật ra phải hiểu ngược lại mới đúng. 
Chính vì chị được tha nhiều nên chị mới yêu mến biết ơn nhiều. 
Lòng yêu mến là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của sự tha thứ. 
Lòng biết ơn đến sau khi nhận ơn. 
Hiểu như thế sẽ hợp với ý nghĩa của dụ ngôn (cc. 41-42), 
và hợp với vế sau của câu 47: còn ai được tha ít thì yêu mến ít. 
Chẳng rõ ông Simon có nhận ra mình là ai chưa. 
Ông đúng là người yêu ít hơn chị phụ nữ tội lỗi kia, 
vì ông được tha ít hơn, vì ông có ít tội hơn !!! 
Nhưng có thật ông ít tội hơn người phụ nữ tội lỗi này không? 
Hay vì tự hào mà ông không thấy cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa? 
Tự hào về đạo đức vẫn là một vật cản khiến người ta khép lại và vô ơn. 
Người phụ nữ tội lỗi là người yêu hơn (c. 42) và yêu nhiều (c. 47). 
Tội quá khứ, khi được tha, lại tạo nên một hứng khởi mới để người ta yêu hơn. 
Những vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên một khởi đầu cho cuộc sống mới, 
can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn. 
Cuối cùng, Đức Giêsu đã quay lại nói chuyện với người phụ nữ. 
Ngài khẳng định lại ơn mà chị đã lãnh nhận trước khi chị bước vào phòng tiệc: 
“Tội của chị đã được tha rồi”, Ngài nhắc cho mọi người biết chuyện đó. 
Như thế Đức Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ như Simon nghĩ. 
Ngài còn lớn hơn một ngôn sứ nữa khi dám tha tội cho chị. 
Cuối cùng, Đức Giêsu lại ca ngợi lòng tin của chị. 
Lòng tin thắm đượm tình yêu, hay tình yêu thắm đượm lòng tin. 
Cả hai quyện vào nhau giúp chị đón lấy ơn cứu độ, ơn bình an: 
“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (c. 50). 
Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người phụ nữ: 
lòng tin mãnh liệt vào sự tha thứ, lòng mến táo bạo của sự biết ơn, 
Chúng ta cũng cảm nghiệm được sức mạnh của ơn tha thứ của Thiên Chúa. 
Sức mạnh ấy có thể làm mới lại cuộc đời một phụ nữ hư hỏng, 
và dạy chị biết yêu như yêu lần đầu. 
Chẳng rõ ông Simon có học được điều gì từ biến cố này không? 

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện : 
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi 
mọi biển lận tầm thường. 
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên 
để gánh chịu mọi buồn vui. 
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang 
để đem tình yêu gánh vác việc đời. 
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường 
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, 
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. 
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai 
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. 
Và cho tôi sức mạnh tràn trề 
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. 
(R. Tagore) 
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)