Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

LỜI CHÚA VÀ GIÂY PHÚT HIỆN TẠI


Tôi thường hay suy nghĩ
      một số những bản văn Kinh Thánh.


Mới đọc lần đầu tiên,
      người ta cho rằng hơi quá đáng. 


Đọc đi đọc lại nhiều lần
      mới khám phá ra cái nhìn của Thiên Chúa về con người.


Con người là ai mà Chúa để lòng nghĩ tới?
      Hay con người là gì mà Chúa phải bận tâm?
      Chúa đã dựng nên con người
      kém thiên thần một chút,
      và đã ban cho con người vinh quang và hoa lệ
      (Tv 8,5-7).


Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết
      những gì Ngài đã đặt để nơi mỗi người.


Bằng một số diễn từ,
      Ngài cho thấy Ngài lưu tâm tới con người
      tới mức độ nào.


Thiên Chúa yêu quý con người đến độ
      khi bảo vệ con người,
      Ngài bảo vệ hết mình, không giới hạn.


      Một hôm, tông đồ Phêrô ngạc nhiên về tâm lý Đức Giêsu vì Ngài quá khoan dung đối với tha nhân, nên hỏi Ngài để Ngài xác định giới hạn thích hợp: “Khi có người xúc phạm đến con, làm con thương tổn, không tôn trọng con, thì con phải tha cho họ mấy lần?”. Và ở đây, Phêrô thở dài vì tưởng mình đã nhân nhượng quá, ông hỏi thêm: “Có phải con phải tha thứ tới bảy lần?”. Với đôi mắt tròn và nụ cười tươi nở, ông chờ đợi Đức Giêsu tán thành. Phêrô hãnh diện vì mình đã tỏ ra rất đại lượng.

      Bằng một câu, Đức Giêsu đưa ông về thực tế với đôi chút hài hước: “Không phải vậy đâu, Phêrô, không phải chỉ bảy lần, mà bảy mươi lần bảy”. Đức Giêsu muốn nói với ông rằng phải tha thứ bao lâu người xúc phạm tới mình còn sống, và sự tha thứ phải theo hắn cho tới giây phút cuối cùng của hắn.

Qua đoạn Tin Mừng đó, Đức Giêsu cho thấy
      sự quý mến Ngài dành cho con người.


Không được tiêu diệt con người,
      không thể gạt bỏ con người,
      nhưng được phép ngăn ngừa họ khỏi lầm lỗi.


Như vậy dẫu khó cũng phải ráng,
      với thời gian ta cũng sẽ quen,
      làm như thế ta mới có được tình yêu,
      thứ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người.


Đó là một tình huống
      đòi buộc ta liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa,
      mối liên kết đó phải được thực hiện
      trong từng giây phút hiện tại,
      suốt 24 giờ mỗi ngày.


      Tôi xin đưa ra một vài ví dụ trong Tin Mừng minh hoạ Đức Giêsu sống yêu thương vô điều kiện đối với những người sống đồng thời với Ngài. Cách phản ứng của Ngài không giống như chúng ta. Hãy xem Ngài tiếp xúc với những con người rất khác nhau này.

      Nếu đối diện với một phụ nữ Samaritanô, ta sẽ hành xử thế nào? Ta sẽ phán đoán vẻ bên ngoài của chị, phong cách, ánh mắt, cử chỉ của chị; cho dẫu ta không có gì mâu thuẫn với chị, chắc chắn hẳn ý nghĩ của ta sẽ không mấy tốt đẹp. Ta sẽ nhìn vào gương mặt chị, nhìn chung những dáng vẻ của chị, những cử chỉ dịu dàng của chị, và ta sẽ có một phán đoán tinh tế: đây là một phụ nữ bình dân, có mức sống thấp kém, âm sắc trong tiếng nói của chị chứng tỏ nền giáo dục sơ đẳng của chị, một vài lời nói của chị cho thấy chị nhẹ dạ, có thể hay thay lòng đổi dạ. Nói tóm lại đó là một phụ nữ như bất kỳ người phụ nữ nào ta gặp trên đường, có thể chào hỏi chị, nhưng ngừng lại để nói chuyện thì chẳng ích lợi gì.

      Chúa Giêsu đến trước mặt chị, nhờ chị một việc, nhã nhặn nói chuyện với chị, hỏi chị nhiều câu, rút ra những gì tích cực từ những câu trả lời lờ mờ, cố tình thiếu chính xác của chị, không cần kết án chị có nhiều chồng, Ngài mời gọi chị thay đổi cách sống, chỉ cho chị thấy những lợi điểm của cuộc đời phụng sự Thiên Chúa.

      Chúng ta chỉ thấy đó là một phụ nữ nhẹ dạ, nhưng Đức Giêsu thấy đó là một người con cái Chúa. Chúng ta chỉ biết phán đoán về chị, còn Đức Giêsu kêu gọi chị định hướng lại cuộc đời và biến chị trở thành một người truyền bá Nước của Cha Ngài một cách tài tình (x. Ga 4,5-42).

      Một hôm, có một nhóm người Pharisiêu đem đến cho Ngài một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và buộc Ngài phải lập tức kết án chị, nếu Ngài thực sự nhất trí với Lề Luật của dân. Rõ ràng phụ nữ này là một tội nhân công khai, một người ai cũng biết là gái điếm. Đức Giêsu hơi bối rối, Ngài thấy cần phải nghi ngờ thiện chí của những người muốn kết án người phụ nữ khốn khổ này. Chị ta cũng là một con cái Chúa, bất chấp tình trạng của chị thế nào, dẫu không thoả hiệp với tội lỗi của chị, Ngài quyết bảo vệ chị: “Ai vô tội, xin hãy ném đá trước”. Tất cả mọi người, người này nối tiếp người kia, lần lượt rút lui, khởi đầu là những người già nhất, không ai kết án chị cả. Đức Giêsu nói với chị ta: “Không ai kết án chị, cả Ta nữa, Ta không kết án chị”. Để tỏ cho chị thấy Ngài cũng không đồng ý với lối sống tội lỗi của chị, Ngài nói thêm “... nhưng hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,3-11).

      Đức Giêsu luôn luôn thấy cái chương trình của Thiên Chúa nơi chị ta: cứu vớt những gì hư mất.

Về mặt nhân loại, cái nhìn của Đức Giêsu
      cũng giống như chúng ta,
      nhưng Ngài luôn luôn tìm cách
      làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha,
      là người đã sai Ngài đến để cứu vớt mọi người tội lỗi.


Muốn cứu vớt họ thì phải yêu thương họ,
      muốn yêu thương họ, phải tránh làm nhục họ,
      đè bẹp họ, kết án họ.

Chỉ cần chỉ cho họ thấy
      Ngài đến không phải vì những người khoẻ mạnh
      và những người tin rằng mình khoẻ mạnh,
      mà vì những người đau yếu, bệnh tật,
      những người bị bóc lột, không nơi nương tựa.


Muốn đạt tới tình trạng tinh thần ấy,
      muốn tạo cho mình một não trạng bình thản như thế,
      việc tối yếu là: sống tràn đầy giây phút hiện tại
      trước mặt Thiên Chúa
      là Đấng luôn luôn chăm sóc đến con người
      dẫu cho tình trạng của họ thế nào.


Thiên Chúa là một người Cha chung thuỷ,
      không ưa việc ly dị, chia cắt
      thích bảo vệ gia đình, con cái,
      Ngài làm điều đó với bất cứ giá nào,
      vì thậm chí Ngài đã quyết định
      hy sinh Đức Giêsu để cứu mọi người khác,
      và để tạo nên một thế giới hợp nhất.


Những chia rẽ, bất ổn, đổ vỡ
      không bao giờ phát xuất từ Thiên Chúa,
      và, trong tinh thần của Ngài,
      mọi sự sẽ đâu vào đó
      nếu người ta biết dùng giây phút hiện tại.


Như vậy thì than khóc quá khứ làm gì?
      Hay mơ mộng một tương lai tốt đẹp làm chi?


Tại sao không khiêm nhượng
      đặt mình dưới ánh mắt Đấng Toàn Năng
      và giao phó cho Ngài tất cả
      những gì liên quan đến chúng ta?


Gợi ý:
      Sức mạnh của tôi,
      điểm tựa của tôi,
      để có thể dùng nội tâm mình
      thay đổi thế giới
      chính là ngày của hôm nay,
      hôm nay mà Ngài ban cho tôi.

 

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA


Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cầu nguyện tha thiết với Ðức Trinh Nữ Maria như sau: 
"Con xin Mẹ hãy giúp đỡ các tín hữu 
trở nên những người lính canh của hy vọng, 
không bao giờ thất vọng, 
và luôn luôn tuyên xưng rằng: 
Chúa Kitô là Ðấng chiến thắng sự chết và tội lỗi. 
Lạy Mẹ trung tín, 
xin Mẹ soi sáng nhân loại thời đại chúng con, 
để hiểu biết rằng: 
sự sống của mỗi một con người 
không giập tắt đi trong nắm tro bụi, 
nhưng được mời gọi 
đi đến một số phận của hạnh phúc vĩnh cửu".
(Huấn Ðức của ÐTC trong ngày lễ Ðức Maria Hồn Xác lên Trời 15/8/2001).

Chúng con thấy sự ác đang tràn lan trên thế giới...
trên cả đất nước thân yêu của chúng con
Lạy Mẹ xin cứu giúp chúng con...
xin thương đến tổ quốc chúng con...
Con đã thầm thì như vậy với Mẹ...
và con nghe tiếng Mẹ :
Hãy cầu nguyện...
Hãy siêng năng lần hạt 
hãy cải thiện đời sống...
Trái Tim Mẹ sẽ thắng...

Có khi với cái đầu của con 
con đã nghĩ đến những thế lực trần gian...
nhưng rồi quên cải thiện chính bản thân mình 
như lời Mẹ đã nhắn nhủ năm xưa...
và nhất là ngay cả bây giờ...


CÁNH CỬA HẰNG NGÀY ĐƯA TA ĐẾN SIÊU VIỆT

Thiên thần hộ thủ,
cánh cửa hàng ngày đưa ta đến siêu việt

Ðức Thánh Cha: Thiên thần hộ thủ, cánh cửa hàng ngày đưa ta đến siêu việt.
Trần Ðỉnh, SJ
Vatican (Vat. 2-10-2018) - Trong lễ mừng các thiên thần hộ thủ, Ðức Thánh Cha dâng thánh lễ cầu nguyện cho một sơ mừng ngân khánh khấn dòng hiện diện trong thánh lễ. Ngài nêu bật vai trò của những người bảo vệ mà Thiên Chúa dành để nâng đỡ ta, các thiên thần, những người đồng hành, những người hướng dẫn ta trên đường đời và là những cánh cửa mở đường đến với Thiên Chúa.
"Này đây, ta sai thiên sứ của ta đi trước mặt con để gìn giữ con trên đường và dẫn con đến nơi ta đã dọn sẵn." Những lời này trong bài đọc thứ nhất, được lấy từ chương 23 sách Xuất Hành gợi hứng cho suy tư của Ðức Thánh Cha trong ngày lễ mừng các thiên thần Hộ thủ hôm nay. Ðây quả là một sự trợ giúp đặc biệt mà Ðức Chúa hứa với dân người, và với cả chúng ta, những người đang trên đường lữ hành.
Thiên thần, người đồng hành giúp ta bước đi
Rõ ràng, cuộc đời này là một hành trình mà ta cần sự giúp đỡ của những đấng đồng hành, những đấng bảo vệ, một người chỉ đường, hoặc một đấng chỉ đường giống như con người giúp ta nhận biết đâu là nơi ta phải đi.
Có ba nguy hiểm có thể xảy ra trên đường đời
Có nguy cơ không bước đi. Và biết bao người đứng yên mà không bước đi, và cả cuộc đời ngưng trệ, không chuyển động, không làm gì. Ðó là một mối nguy. Giống như một người kia sợ đầu tư tài năng mà Tin Mừng đã nói tới, anh ta đã chôn nó đi và nói: tôi bình an, tôi thanh thản. Tôi không thể phạm sai lầm. Vì thế tôi không gặp rủi ro. Và nhiều người không biết bước đi thế nào hoặc sợ rủi ro, và đứng yên. Nhưng chúng ta biết một quy luật là trong cuộc đời, nếu bạn đứng yên, thì rốt cuộc bạn bị hư hoại, bị sụp đổ. Giống như nước: khi nước phẳng lặng, ở đó những con muối bay tới, chúng đẻ trứng, và mọi thứ bị vẩn đục, hư hoại. Tất cả. Thiên thần giúp ta, thúc đẩy ta bước đi.
Nguy cơ đi sai và bước vào mê cung
Nhưng trên đường đời, còn có hai nguy cơ khác nữa: nguy cơ đi sai đường, con đường vốn dĩ chỉ dễ đúng vào lúc ban đầu, và nguy cơ rời bỏ con đường để đi lang thang trong quảng trường, rồi đi vào một khúc nào đó và lạc vào mê cung, nơi có cạm bẫy và không mang ta tới đích. Ở đây, các thiên thần sẽ giúp ta không đi sai mà bước đi trên con đường của ngài. Nhưng ngài cần lời cầu nguyện của chúng ta, lời cầu xin giúp đỡ.
Và Ðức Chúa nói rằng: hãy kính trọng sự hiện diện của người. Thiên thần rất quyền uy, ngài có thẩm quyền để nói với chúng ta. Chúng ta hãy nghe ngài. Hãy nghe lời người và đừng chống lại người. hãy lắng nghe những lời linh hứng, những điều luôn đến từ Thánh thần, và chính thiên thần mang chúng đến cho chúng ta. Nhưng cha muốn hỏi các con một điều: các con có nói chuyện với thiên thần của mình không? Các con có biết tên thiên thần của các con? Các con có lắng nghe ngài không? Các con có để ngài dắt tay các con đi trên đường đời hoặc là để ngài đẩy các con tiến lên không?
Thiên thần cho ta thấy con đường đến với Chúa Cha
Nhưng sự hiện diện và vai trò của các thiên thần trong cuộc đời của chúng ta còn quan trọng hơn nữa, bởi vì, các ngài không chỉ giúp chúng ta bước đi cách tốt đẹp mà còn chỉ cho ta thấy "đâu là nơi ta phải đến." Ðiều được viết trong Tin Mừng theo thánh Mattheu hôm nay là "đừng khinh thường những người bé nhỏ," Chúa Giêsu nói thế bởi vì thiên thần của họ ở trên trời luôn chiêm ngưỡng dung nhan Cha thầy, Ðấng ngự trên trời. Vì thế, trong mầu nhiệm bảo trợ của các thiên thần cũng có sự chiêm ngưỡng Chúa Cha, Ðấng mà Chúa Giêsu cần ban cho chúng ta ân sủng để hiểu.
Thiên thần của chúng ta không chỉ ở cùng chúng ta, mà còn chiêm ngưỡng Chúa Cha và ở trong tương quan với Người. Ngài là cây cầu hàng ngày, từ thời điểm ta thức giấc cho đến khi ta lên giường đi ngủ; Ngài đi cùng với ta và ở trong mối thân tình với Chúa Cha và với chúng ta. Thiên thần là cánh cửa hàng ngày hướng tới sự siêu việt, tới cuộc gặp gỡ với Chúa Cha: nghĩa là, thiên thần giúp ta bước đi trong chính lộ bởi vì ngài chiêm ngưỡng Chúa Cha, và ngài biết đâu là con đường. Ðừng quên những người bạn đường này.

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

KỸ THUẬT THỜI HIỆN ĐẠI (tt)



Tôi quả thực là giàu có
      khi tôi ý thức rằng
      tôi có đủ năng lực trí tuệ,
      sức khoẻ tinh thần, nghị lực tâm linh
      để tự chủ lấy mình,
      để không bực bội khi gặp những rầy rà hằng ngày,
      với niềm xác tín rằng
      những vấn đề gây khó khăn cho tôi
      không bao giờ lại mạnh dạn hơn
      những năng lực đang làm tôi hoạt động.


Những nơi tôi nương tựa không bao giờ suy suyễn,
      rất vững chắc và không hề vơi cạn.


Tại sao lại không tựa vào Chúa,
      tại sao không để não trạng Đức Kitô
      được mô tả rõ ràng trong Phúc Âm
      thấm nhập vào tâm hồn tôi,
      tại sao không nương tựa vào cái gì vững chắc?


Ta thuộc dòng giống những người bất tử,
      thánh Gioan nói:
      “Ta là con cái Thiên Chúa” (1 Ga 3,1-3).


Nếu những kinh nghiệm sống của ta là hạnh phúc,
      thật là tốt để nó ảnh hưởng ta.

Thật dễ dàng khi khích động trí nhớ,
      khi khơi đầu óc tưởng tượng lên,
      để hồi tưởng lại những dữ kiện đã qua,
      làm nên những giây phút dễ chịu.


Lục lọi quá khứ để tìm lại những dữ kiện
      làm nổi bật những đức tính
      mà ta đã sống một cách trầm tĩnh,
      mà ta còn gặp lại cho mình,
      chẳng phải là một khám phá hứng thú sao?


Nhắc lại hoài những kỷ niệm ấy,
      thưởng thức những giây phút hạnh phúc ấy,
      những giây phút ta cảm thấy mình sống,
      chẳng phải là tuyệt diệu sao?


Đó là những sinh tố bồi bổ sự sống,
      bởi vì chúng không bị hao mòn,
      cho dẫu vì rời rạc chúng bị lãng quên.


Tôi có những nỗ lực phải làm
      để đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa.

Tôi không sao làm được điều đó
      mà không tự sửa mình trong giây phút hiện tại.


Thiên Chúa không bao giờ bị tản mạn
      ngay khi rời khỏi giây phút hiện tại.


Giây phút hiện tại mà tôi nhớ đến Chúa,
      mà tôi ý thức được Ngài hiện diện,
      giây phút đó giống như một thang máy
      nâng tâm hồn tôi lên tới Ngài
      làm cho tôi dễ tiếp cận Ngài,
      dễ thấy được, rờ được, thông cảm được;
      người ta sẽ nói rằng
      Thiên Chúa hạ mình xuống với tôi,
      hay tôi nâng tâm hồn lên tới Ngài.


Cái cảm giác ấy tôi có cảm nhận được,
      khi tôi chăm chú sống nghiêm chỉnh
      một tính chất tích cực,
      một đặc sủng sống động cứ 24 tiếng mỗi ngày.


Nếu sáng dậy tôi quyết tâm
      sẽ canh chừng tính khí tôi
      để không làm tổn thương ai,
      thì đó là bước khởi đầu của một ngày hữu ích.


Nếu tôi quyết tâm lại lần nữa
      sẽ điều chỉnh tính khí tôi
      để sống chương trình của Thiên Chúa dành cho tôi,
      để yêu thương một cách cụ thể
      những người tôi chung sống
      thì tâm hồn tôi sẽ hả dạ hài lòng,
      và ban tối khi lên giường ngủ,
      tôi sẽ cảm thấy cuộc đời là cái gì tuyệt diệu.
Để có thể tưởng tượng được những kho tàng phong phú
      dấu ẩn trong tâm hồn con người,
      cần phải biết say sưa
      với những kinh nghiệm tích cực
      về giây phút hiện tại.


Mọi người đều chấp nhận rằng
      mỗi người là một sinh vật
      có trí tuệ, ý chí và ký ức,
      trí tưởng tượng và cảm tính.


Nhưng mọi người đều không nhận ra rằng
      những ân huệ của thiên nhiên đó
      là những cơ chế máy móc
      để làm phát sinh nơi mỗi người
      những đức tính, những ân huệ, những nghị lực,
      và động lực có khả năng vạch ra trong xã hội
      một con đường rõ ràng và hữu ích,
      thậm chí có khi cần thiết nữa.


Nếu ta dừng lại để suy nghĩ rằng
      nơi mỗi người có những nét thiên tài,
      những thành tựu đáng ngạc nhiên,
      những phát minh rõ ràng là mới mẻ,
      kho năng lực tinh thần, trí tuệ và tâm linh...
      có khả năng đo lường được lòng tốt,
      lòng khoan dung, sự quảng đại, sự hiến thân
      mà Tạo Hoá đã đặt để trong mỗi người chúng ta
      tới mức độ nào...


Khi ta quyết tâm trở nên người tốt,
      khi ta chăm lo cho công việc đó,
      khi ta miệt mài trở nên
            những gì ta cảm thấy,
            những gì là chính bản thân ta,
      ta sẽ hưởng thụ được một sức mạnh vượt khỏi ta,
      ta sẽ cảm nếm được sự an bình
      mà không ai có thể một mình chế tạo ra được.


Gợi ý:
      Sống đức tin chính là
       suốt 24 giờ mỗi ngày
      ẩn mình bên Thiên Chúa,
      dấn thân phụng sự Ngài,
      coi Ngài là trọng yếu
      xứng với địa vị Ngài.

CON NGƯỜI KHÔNG CÓ CHỖ GỐI ĐẦU

03.10.2018 – Thứ Tư Tuần 26 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 57-62
Đang khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
Suy niệm
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.Theo đạo là theo một con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi, con đường đất quanh co trong xứ Palestine hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

KỸ THUẬT THỜI HIỆN ĐẠI



Kỹ thuật thời hiện đại      
chính là sống
      với động từ “sống” chia ở thời hiện tại
      

Nếu có ai bảo tôi
      chia động từ Yêu ở thời hiện tại,
      thì tôi sẽ đọc:
      tôi đang yêu, anh đang yêu, nó đang yêu,
      chúng tôi đang yêu, vv...


Nếu tôi thường xuyên chia động từ Yêu như vậy,
      vừa chia vừa suy nghĩ điều mình đọc,
      tôi sẽ cảm thấy lòng mình biến đổi,
      tôi sẽ thực sự sống trong tâm trạng
      sẵn sàng yêu thương.


Tôi không thể lặp đi lặp lại một trăm lần:
      TÔI ĐANG YÊU
      mà lại không cảm thấy lòng mình rung động.

Một hôm có một bà rất đạo đức kia được cha sở đặc biệt cho phép đem Mình Thánh Chúa đến cho những người đau yếu tại một khu trong họ đạo. Bà phải mang Chúa trong mình băng qua những chặng đường xa. Có người hỏi bà:

      - Vì bà rất tin tưởng và nhạy cảm với sự hiện diện của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, vậy thì khi bà đi đường một mình với Chúa, bà làm gì?

      - Tôi cầu nguyện rất nhiều với Chúa, xin Ngài tha thứ cho những lần tôi tôn kính Ngài chưa đủ, tôi nài xin Ngài ban ơn để tôi yêu Chúa và thương tha nhân nhiều hơn.

      - Tốt quá! - Người bạn đó nói với bà -. Nhưng tại sao bà lại không cám ơn Ngài, ca tụng Ngài, thờ lạy Ngài, tỏ cho Ngài biết mình yêu Ngài, hạnh phúc vì được một mình cùng đi với Ngài trên đường. Làm như thế, bà sẽ bình an hơn, niềm tin của bà biểu lộ rõ ràng hơn. Bà sẽ được sống với Ngài đúng ý nghĩa của thời hiện tại: con yêu mến Chúa, con nài xin Ngài... Bà sẽ có thì giờ để cảm nghiệm Ngài yêu mình.

Sống cho đúng kỹ thuật của giây phút hiện tại như thế,
      không phải là chuyện dễ.


Nếu những người sống chung quanh ta
      nói rằng họ thử hiểu ta,
      thử yêu thương ta, thử biết ta,
      nhất là khi họ đã sống với ta
      có thể từ nhiều năm nay,
      thì chắc chắn ta sẽ không hài lòng về họ.


Nếu một người chồng nói với vợ mình:
      Anh thử yêu em, anh sẽ yêu em nếu...
      người đó sẽ không bao giờ tạo lập được
      một mái nhà, một tổ ấm hạnh phúc,
      trong điều kiện như thế,
      cũng không thể làm cho con cái mình
      cảm nhận được mình yêu thương chúng.


Không ai kiên trì chờ đợi để được yêu thương,
      phải yêu thương mỗi ngày một ít
      và cái kỹ thuật thời hiện tại
      cuối cùng sẽ đem lại lợi ích mỗi ngày
      tránh được những đổ vỡ, lạnh nhạt,
      làm cho các tâm hồn cởi mở
      thực sự yêu thương nhau.


Nhờ kỹ thuật này, ai nấy đều cởi bỏ nhanh chóng,
      trong vài tuần lễ,
      những căng thẳng, chán chường, trầm uất,
      những nỗi buồn và một số mặc cảm chủ bại.


Đừng bao giờ nói với ai:
      “Tôi thử yêu bạn xem, tôi sẽ yêu bạn nếu có thể,
      tôi muốn yêu bạn, đối với tôi yêu không phải dễ”.


Đó là thứ ngôn ngữ cần phải sửa đổi, hãy nói:
      “Tôi yêu bạn, tôi quý mến bạn, tôi khâm phục bạn.”


Quá đáng trong chiều hướng tích cực
      có thể làm cho người khác mỉm cười
      nhưng không làm ai bị tổn thương,
      ngày nào chính tôi sống tích cực,
      ngày đó không còn quá đáng nữa.


Trong đời tôi, tôi đã khuyên rất nhiều người âu lo:
      mỗi ngày hãy ghi lại một niềm vui
      mà mình nhận được, hay mình chia sẻ với ai đó.


Niềm vui giống như những nụ cười hay lây lan
      khiến cho người ta sống lạc quan,
      và làm cho người ta hăng hái.


Giây phút hiện tại
      là một trong những của cải lớn lao nhất
      mà Thiên Chúa ban cho ta,
      miễn là chúng ta giữ lấy nó
      và vui tươi đón nhận nó.


Mọi người đều nhất trí nói rằng
      sức khoẻ là hồng ân lớn nhất của thiên nhiên,
      và của Thiên Chúa đối với những ai có đức tin.
      Bệnh tật quấy rầy tất cả mọi người. 


Biết bao nhiêu nhà tỉ phú
      phải hy sinh ba phần tư gia tài
      để được giải phóng khỏi những cơn đau
      khiến họ không còn được tự do thoải mái.

Ân huệ thực tiễn nhất
      là sáng nào ta cũng an tâm có trong tay 24 giờ
      cùng với quyền sử dụng chúng
      để làm theo những điều mình muốn,
      và điều hành chúng theo ý mình.


Chúa ban cho ta như thế một cách nhưng không,
      cho dẫu ta không xứng đáng.


Suốt 24 giờ này, nếu tôi muốn,
      tôi sẽ có đủ nghị lực
      để trở nên hữu ích cho người chung quanh,
      để sửa chữa những lỗi lầm mình,
      làm một bước ngoặc tốt đẹp,
      tự khôi phục lại nội tâm,
      giúp đỡ người này kẻ kia.


Ai có thể ngăn cản tôi thực hiện một chút từ tâm
      để giúp ích cho tha nhân?


Không có một hoàn cảnh nào mà tôi không cải thiện được,
      nếu tôi tập trung năng lực của tôi
      vào giây phút hiện tại,
      nếu tôi kêu gọi đến nghị lực của tôi,
      nếu tôi xác tín rằng
      khi tôi nhận thấy những đức tính của tôi,
      khi tôi chấp nhận và tin tưởng nơi chúng
      thì chúng sẽ có khả năng
      đem tôi đến gần Thiên Chúa, tác giả sự sống,
      tẩy rửa quá khứ của tôi,
      làm hiện tại của tôi có giá trị,
      và soi sáng cho tương lai của tôi.