Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Con lớn lên bên cha mỗi ngày.


Con lớn nhanh bên Cha mỗi ngày.

*Thương Huyền tuyển dịch

Khi trí óc tôi bắt đầu biết ghi nhớ thì chiếc bình đã đứng trên sàn, cạnh bàn trang điểm trong phòng ngủ của cha mẹ. Trước khi bước lên giường đi ngủ, cha tôi thường vét túi lôi hết những đồng xu lẻ bỏ vào bình. Hồi nhỏ, tiếng leng keng do những đồng xu phát ra khi rơi vào bình đã khiến tôi mê mẩn. Khi bình còn rỗng, tiếng những đồng xu lảnh lót như tiếng chuông. Dần dà, cái bình ngày một đầy, tiếng kêu đâm ra cành cạch, đục dần và uể oải. Tôi thường ngồi chồm hổm trước chiếc bình, ghé mắt chiêm ngưỡng những đồng xu bằng bạc và đồng lấp lóe dưới những tia nắng chiều qua cửa sổ phòng ngủ. Đối với tôi, chiếc bình hệt như một kho báu bị những tên cướp biển chôn giấu.

Khi chiếc bình đã đầy, cha tôi ngồi bên chiếc bàn bếp, sắp xếp chúng trước khi đem gửi tiền tiết kiệm. Mỗi lần mang chiếc hộp giấy dày chứa đầy những đồng xu chất gọn gàng thành từng cọc tới ngân hàng, cha tôi lại nhìn tôi với ánh mắt đầy hy vọng. “Những đồng xu này sẽ kéo con thoát khỏi xưởng dệt. Con sẽ làm những công việc khá hơn cha”. Và, mỗi lần đẩy chiếc hộp về phía người thủ quỹ ngân hàng, ông lại ngoác miệng cười tự hào: “Đây là tiền để dành cho con trai tôi vào đại học. Nó sẽ không bao giờ làm việc cực nhọc suốt đời như tôi”.

Ra khỏi ngân hàng, ông ăn mừng việc gửi tiền bằng mấy cây kem. Bao giờ tôi cũng chọn kem chocolate, còn cha lúc nào cũng chỉ lấy kem vani rẻ hơn. Ông chìa lòng bàn tay cho tôi xem mấy đồng xu người bán kem vừa thối lại và hoan hỉ tuyên bố: “Về đến nhà, cha con mình lại bỏ ống tiếp”. Thông thường, ông để tôi bỏ những đồng xu đầu tiên vào chiếc bình rỗng. Nghe chủng kêu leng keng hạnh phúc, cha con tôi cười vui vẻ. Cha tôi bảo: “Nhờ những đồng xu lẻ này con sẽ vào đại học. Cha chắc chắn sẽ là thế”.

Năm tháng qua đi, tôi đã tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm ở một thị trấn khác. Một lần về thăm cha mẹ, trong lúc nghe điện thoại từ chiếc máy đặt trong phòng ngủ của ông bà, tôi nhận ra chiếc bình cũ đựng tiền đã biến mất. Hẳn nó đã hoàn thành sứ mạng của mình và được dẹp đi. Nhìn khoảng trống bên cạnh chiếc bàn trang điểm nơi chiếc bình từng đứng nhiều năm, cổ tôi nghẹn tắc. Cha tôi là người ít lời, chưa bao giờ ông thuyết giáo với tôi về lòng quyết tâm, tính kiên trì và niềm tin. Chiếc bình đã dạy tôi những giá trị thiết yếu trong cuộc sống một cách hùng hồn, hơn tất cả những văn từ hoa mỹ nhất.

Khi lấy vợ, tôi đã kể cho vợ tôi nghe chiếc bình. Trong ý nghĩ của tôi chiếc bình cho tôi thấy cha tôi đã thương tôi biết chừng nào. Dẫu cảnh nhà nhiều khi túng đói nhưng ông cũng cố bỏ cho được vài đồng xu vào bình, hệt như lúc ông vươn người qua bàn ăn đổ hết nước xốt cà chua vào đĩa của mình, vào đĩa đậu nành ninh nhừ – món độc nhất trong bữa ăn trong nhiều tuần của gia đình những lúc cha tôi không kiếm ra việc làm – của tôi. “Khi nào học xong đại học, con sẽ không bao giờ phải ăn lại món này trừ phi con muốn” – cha tôi an ủi.

Vào lễ Giáng sinh đầu tiên sau khi đứa con gái đầu lòng của tôi ra đời, vợ chồng tôi về thăm cha mẹ. Sau bữa cơm tối, hai ông bà ngồi cạnh nhau trong phòng khách nựng cháu. Con bé đột nhiên khóc ấm óe. Vợ tôi xin đem con vào phòng thay tã. Khi trở ra, trao con cho ông bà xong, nàng lặng lẽ nháy tôi. Tôi theo chân vợ vào phòng.

– Anh coi kìa! – vợ tôi khẽ nói, chỉ tay về phía chân chiếc bàn trang điểm.

Tôi sững sờ. Dường như chiếc bình chưa bao giờ biến đi, nó vẫn ở chỗ cũ, đáy được phủ một lớp xu bạc láp lóe.

Tôi bước lại gần, thò tay vào túi lôi ra một vốc xu lẻ, cúi người xuống thả chúng vào bình bằng cả sức mạnh tình cảm dồn nén, với hy vọng nghe được những tiếng leng keng hạnh phúc. Ngẩng đầu lên tôi gặp ánh mắt của cha bế cháu bước vào phòng tự hồi nào. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau và tôi hiểu rằng, ông cũng đang trải qua những tình cảm như chính tôi. Không một ai trong chúng tôi đủ sức nói nên lời.
*

(nguồn: Con lớn nhanh bên cha mỗi ngày – Thương Huyền tuyển dịch.

2 nhận xét:

  1. Truyện hay quá!
    DVD sang thăm nhà, chúc TĐ cuối tuần vui khỏe, bình an!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn DVD đã ghé thăm...
      Ngày mới an lành nhé...
      nhớ tiếp tục chia sẻ...
      cám ơn rất nhiều...

      Xóa