Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

NĂNG LỰC VÀ GIÂY PHÚT HIỆN TẠI


Chúng ta có toàn quyền, hay hầu như toàn quyền
      trên giây phút hiện tại.


Đó là nguyên tắc quý giá như vàng bạc,
      nhờ nó ngày nào ta cũng làm nên được
      những diệu kỳ,
      thậm chí cả phép lạ nữa.


Người nào cũng được tạo dựng nên
      để có thể sử dụng được thời giờ
      mà đời đã dành cho họ.


Nhưng không có ai đủ nghị lực và sức mạnh,
      dẫu là tinh thần hay thể lý,
      để hoàn toàn làm chủ được
      quá khứ và tương lai.


Nhưng, con người có đủ sáng suốt và sức mạnh,
      để tổ chức cơ chế phòng thủ,
      để hôm nay không bị tiêu diệt,
      để làm giây phút hiện tại sinh hoa trái.


Tất cả chúng ta đều bị giới hạn,
      chúng ta không thể chịu đựng nhiều áp lực
      hơn những áp lực đang phải chịu trong hiện tại.


Chúng ta phải quẳng đi những căng thẳng
      do quá khứ và tương lai đem lại.


Những người bị suy sụp tinh thần
      đã để nghị lực đằng sau họ.


Những kẻ nhát sợ không chịu sử dụng nghị lực đó
      để đối đầu với tương lai.


Giây phút hiện tại mà chúng ta có toàn quyền đó
      kéo dài suốt 24 giờ,
      là thời gian một ngày mà tôi phải sống cho tràn đầy.


24 giờ, tức 1440 phút,
      đó là áp lực tối đa mà tôi phải chịu
      mà không sợ bị lâm nguy,
      không sợ bị thương tổn
      về trí tuệ cũng như về tâm lý.


Nếu tôi vạch tìm trong quá khứ
      những gì đã làm tôi đau khổ,
      những gì đáng tôi phải lo lắng,
      thì tôi sẽ nhận thấy mình bị chơ vơ,
      mất thăng bằng,
      và tôi sẽ bắt cơ thể tôi chịu thêm một số áp lực
      khiến tôi không đủ sức lực để kháng cự.


Nếu quá khứ ảnh hưởng trên tôi,
      tôi sẽ làm hiện tại rối beng
      và tương lai dường như đen tối.


Tôi sẽ tạo ra những nỗi sợ vô ích,
      như nỗi sợ không muốn được cao ráo
      theo đúng thước tấc mà tôi mong muốn.


Tôi sẽ tự tạo ra những nỗi sợ hãi,
      như sợ không thành công,
      sợ không hài lòng người khác,
      sợ không có bạn bè,
      sợ không hữu ích cho ai,
      sợ bị quá lố,
      sợ làm phiền người khác,
      thậm chí còn sợ vi trùng, sợ bệnh tật, sợ chết.


Sự nản chí bắt nguồn từ trong quá khứ,
      nó làm lệch hướng nghị lực của ta:
      những áp lực đè nén
      khiến ta không sao chịu nổi,
      thần kinh như muốn đứt, đầu óc như muốn bể,
      sự căng thẳng đè nặng,
      khiến ta nản chí và có thể trở thành
      những gì ta không muốn:
      một kẻ bơ vơ, một gánh nặng cho người khác.


Nếu tôi bám víu quá khứ để ngăn chặn
      trong ký ức và tưởng tượng
      những nỗi đau khổ tôi đã gặp,
      những nghịch cảnh đã phiền nhiễu tôi,
      những hắt hủi buồn tủi mà tôi cảm thấy,
      những lời nói hai nghĩa
            mà tôi biết rằng nhắm vào tôi,
      những thử thách mà lúc đó tôi cho là bất công,
      thì tôi sẽ trở thành người mắc bệnh tâm thần,
      và tôi không cần biết tới bác sĩ tâm thần
      là người có thể đem lại quân bình cho tôi.


Mọi tinh thần bệnh hoạn như thế
      sẽ phá rối cuộc đời tôi,
      và thường xuyên kéo tôi ra khỏi giây phút hiện tại,
      mà sức mạnh của giây phút này
      tuỳ thuộc vào mối lợi mà tôi gán cho nó.


Chúng ta nghe nói về lòng khoan dung,
      về ân xá và tha thứ,
      để làm cho các mối quan hệ
      giữa mình và người khác bớt căng thẳng.


Nhưng ta cũng cần phải tự xét lại mình để nhận ra rằng:
      ta đã đối xử với mình quá cứng rắn,
      ta không chịu tha thứ cho ta điều gì,
      ta đã tiêu hao năng lực quá nhiều
            để tự kềm hãm bản thân,
            làm hao mòn lòng tự tin.


Không phải là vô cớ
      mà Đức Kitô đã muốn thức tỉnh nhân loại,
      và nhấn mạnh đến độ như muốn ép buộc ta
      tuân hành điều răn này một lần nữa:
      “Hãy yêu tha nhân như yêu chính mình”.


Khi ta phá huỷ lòng tự tin
      thì ta còn gì để làm người khác an tâm nữa?


Càng tự nhủ rằng mình không là gì cả, chẳng ra gì cả,
      thì rốt cuộc ta lại càng tin rằng
      người khác cũng chẳng có gì hơn ta cả.


Ta phải biết tự tạo may mắn cho mình,
      có khả năng tha thứ cho chính mình,
      những sai lầm khiếm khuyết dù to nhỏ,
      mà ta đã làm thậm chí cố tình nữa.


Thường xuyên xem xét lỗi mình,
      hay thường coi lại cặn bã cuộc đời mình,
      thì có hay ho vui thú gì?


Muốn sống giây phút hiện tại,
      cần phải tránh hồi tưởng lại
      những đau buồn quá khứ,
      nhắc lại hoài những kỷ niệm đau thương,
      đổ cho người khác những lầm lỗi của mình,
      bắt người khác chịu trách nhiệm
            về những nỗi buồn của mình.


Cũng cần phải thanh tẩy: tưởng tượng và ký ức,
      khỏi những hiềm thù và ác cảm
      dường như không thể nhổ tận rễ được,
      do mẫn cảm không tự chủ được phát sinh ra.


Tất cả những kỷ niệm ấy,
      toàn bộ những khiếm khuyết chồng chất ấy,
      cuối cùng tạo nên một hố tiêu tự hoại
      mà ta phải quên đi
      nếu ta không thể giải toả được.


Đừng bao giờ đi tới chỗ tin rằng
      con người không thể sửa chữa được,
      dù có cố gắng đến đâu cũng chẳng thay đổi được gì,
      và người ta sẽ phải đau khổ mãi mãi.


Không cần phải có một ngọn lửa lớn,
      mới có thể gây ra một đám cháy
      hay một cuộc hoả hoạn,
      mà chỉ cần một ngọn gió tiếp sức cho ngọn lửa,
      là số ngọn lửa tăng lên.
      Nghị lực và sức sống của ta cũng tương tự như vậy.


Người nào cậy dựa vào Thiên Chúa,
      Đấng đã ban sự sống cho mình,
      chỉ cần ý thức về sức mạnh của thiên nhiên,
      ở ngay trong tâm mình,
      sẽ không những biến đổi được nghề nghiệp sự nghiệp,
      mà có thể giúp người khác
      gặp lại chính mình, lấy lại quân bình,
      gom lại được những tiềm năng khôn tả,
      thành một khối trong đáy lòng mình,
      và nhờ vậy mà thực hiện được
      chương trình đời sống và vận mệnh của mình
      một cách thành công và hạnh phúc.


Giây phút nào ta hồi tâm sâu xa như thế,
      giây phút ấy sẽ trở thành lò rèn luyện,
      rèn nhân cách, rèn những nhà lãnh đạo,
      rèn nên những người sống hùng anh.


Phải tập cho quen sống giây phút hiện tại
      một cách tràn đầy và tích cực.


Ngay giây phút hiện tại này hãy mặc vào mình
      một động lực tích cực,
      một niềm tự tin vượt khỏi những gì cảm nghiệm được.


Ta đã chẳng từng thấy những người khốn khổ,
      bỗng nhiên thoát khỏi cảnh tuyệt vọng sao?


Tai hoạ lớn nhất có thể đến với một người
      là thất vọng về chính mình,
      là tin rằng mình bị số phận bạc đãi
      không sao thay đổi được,
      là cho rằng mình kiệt sức không sao chỗi dậy được.


Chàng say rượu một hôm nói dí dỏm:
      “Rượu ngon dở gì dẫu sao vẫn uống được,
      bao lâu vẫn được đựng trong chai,
      còn nếu bị đổ lênh láng trên sàn nhà,
      thì không còn ai muốn uống nữa”.


Con người ta cũng y như thế,
      bao lâu vẫn còn lòng tự tin,
      thì vẫn còn năng lực để thoát ra
      khỏi tình trạng bế tắc ta không muốn.


Ngay khi lòng tự tin không còn nữa,
      con người sẽ mất hẳn giá trị mình.


Một ngày 24 giờ có tất cả 1440 phút,
      xem ra có vẻ hơi nhiều đấy:
      nhưng nếu ta bỏ ra vô số phút
      dành để ngủ, để ăn, để nghỉ ngơi, giải trí,
      ta sẽ còn phần ba gồm những phút
      hết sức quan trọng để tích cực phát triển nhân cách.


Một phần ba mới đòi hỏi làm sao...
      phải chuyên tâm chú ý, phải cố gắng không ngơi,
      và như thế không phải là quá đáng.


Nếu người ta không thành công như ý,
      thì cũng không có gì phải lo âu,
      vì ngày mai sẽ đem lại cho từng người
      những cơ hội để làm lại những việc ấy.


Có một điều chắc chắn
      là không ai có giá trị hơn
      những giá trị mà hôm nay họ đang có,
      giây phút hiện tại có thể làm cho họ
      khá hơn hoặc tệ hơn một chút
      tuỳ theo cái lợi ích mà người ta làm được.


      Pablo Casals, một tay chơi vĩ cầm nổi tiếng Tây Ban Nha, nói với bà con bạn bè khi họ đến chúc mừng sinh nhật thứ 93 của ông:

      Cái bí quyết sống lâu của tôi rất đơn giản,
      đó là tôi tôn thờ giây phút hiện tại.
      Đối với tôi ngày nào cũng là một ngày mới,
      một ngày tôi vừa mới sinh ra,
      và tôi cứ nhắc đi nhắc lại cho mình:
      Hãy hạnh phúc, hãy sống cho hạnh phúc,
      vì ngày hôm nay, ta bắt đầu một cuộc đời mới.


Gợi ý:

Ngày nào cũng hãy bắt đầu lại
      bắt đầu sống giây phút hiện tại,
      và chúng ta sẽ khám phá ra
      quan điểm của tha nhân,
      sự dễ mến và tinh thần phục vụ của họ,
      hay một khía cạnh dễ thấy
      của một trong những đức tính tích cực của họ.


Nhờ đó, ta mới khám phá ra xã hội tính của mình,
      và sẽ gặt hái được niềm vui của cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét