Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

HAI QUAN ĐIỂM


Hai quan điểm

      Quan điểm của những người Pharisêu
      và quan điểm của Đức Giêsu

      Trong trật tự tự nhiên, cả hai quan điểm đó đều tốt, nhưng quan điểm của Đức Giêsu dẫn tới chiều kích siêu nhiên.

      Tôi xin trưng dẫn những nhân vật khác nhau để minh hoạ cho từng quan điểm một:

      Trước hết, tôi hỏi những người Pharisêu, các luật sĩ, những người lui tới Đền Thờ, những người theo học với nhà thông thái Gamaliet: “Tôi phải làm gì khi có một người có đời sống bê bối muốn làm bạn với tôi, khi một người nào đó có thể gây ảnh hưởng xấu trên tôi, làm thiệt hại cho tôi, có nguy cơ làm cho tôi mất tiếng tốt, cái tiếng tốt mà tự nhiên tôi vẫn tự hào? Tôi phải có thái độ như thế nào?”.

      Simon tật phong, nhân danh tất cả những người mà ông đại diện, nói cho tôi tất cả những gì ông cho là đúng, là chính đáng. Ông phản ánh hoàn toàn cái não trạng của những người trong Đền Thờ, rất phổ biến trong dân chúng, là cái não trạng cố gắng vui vẻ làm hết sức mình những việc phải làm trong một xã hội mà họ có trách nhiệm phải ảnh hưởng, thậm chí giáo dục nữa.

       Simon tật phong là một người tốt. Ông cư ngụ tại làng Bêtania cách Giêrusalem ít nhất hai cây số. Tối nào ông cũng trở về nhà. Là một người Pharisêu, ban ngày ông làm việc tại Đền Thờ. Những người Pharisêu kết hợp lại thành một nhóm người quý phái tự cho mình có nhiệm vụ bảo vệ lề luật. Kể từ thời nữ hoàng Alexandra – từ năm 76 đến 67 trước Đức Kitô – những người Pharisêu một cách nào đó nắm quyền lãnh đạo tinh thần của dân Do Thái. Họ tự coi mình như những người ưu tú nhất của xã hội. Họ cảm thấy mình là những người đạo đức nổi bật, và lòng nhiệt thành của họ là một trong những vinh quang chính yếu của họ (theo Tự vựng Thánh Kinh của Giám Mục Vincent, trang 370).

      Thỉnh thoảng Đức Giêsu nhắc nhở họ, những lúc họ làm ra vẻ quan trọng với những hình thức phô trương của họ, với những cái chướng tai gai mắt của họ.

      Simon tật phong thường nghe nói về Đức Giêsu, thậm chí ông đã nghe Ngài nói ở những bậc Đền Thờ. Ông thấy Ngài có những cái hay hay, ông đã bàn luận về Ngài dường như không thống nhất. Nhiều người nói: “Đó là một Tiên tri, giáo huấn của Ngài mới mẻ, Ngài làm được cả những phép lạ, dân chúng say mê Ngài”. Có những người háo chiến lên giọng tức giận kết án Đức Giêsu, lên án lời nói, cử chỉ, con người của Ngài; họ công khai muốn Ngài biến mất, thậm chí muốn Ngài chết.

      Simon tật phong vẫn nuôi trong bụng ý muốn gặp Đức Giêsu, nếu muốn nhận định riêng của mình về Ngài. Vì thế, ông đã hành động một cách kín đáo. Giấu không cho các đồng sự của mình biết, ông mời Đức Giêsu về quê, ở Bêtania. Đức Giêsu nhận lời. Tại đó, ta có thể thấy được hai quan điểm rất khác nhau: quan điểm của Simon và quan điểm của Đức Giêsu.

      Đức Giêsu, không phải là người chấp nhất, Ngài đã ăn uống với những người nghèo khổ, tội lỗi, tại sao lại bỏ lỡ cơ hội để ăn uống với một người Pharisêu ăn mặc bảnh bao và được kính trọng này. Có lẽ Ngài cùng đến Bêtania với Mẹ Ngài, Phêrô, Giacôbê và Gioan.

      Phép lịch sự có những đòi buộc của nó, và những người Do Thái có giáo dục rất quen thuộc với những nghi thức tiếp tân cho phép họ đánh giá dễ dàng khách được mời. Chắc hẳn để khỏi làm dơ những tấm thảm quý giá làm tại Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ, ngay ở cổng vào, người ta có để những cái vại lớn đựng nước sạch và khăn lau dư dả. Nếu họ tiếp đón người nào mà họ cho là quan trọng hay thân tình, thì chính chủ nhà sẽ đem nước và khăn đến, quỳ xuống dưới chân khách để rửa cho khách. Tiếp theo là những lời chào hỏi, những cử chỉ thân thiện để tạo nên một bầu khí thuận lợi.

      Đức Giêsu là một nhà tâm lý tinh tế, Ngài chờ đợi giây phút đặc biệt ấy.

      Simon cảm thấy bối rối, ông phải đón tiếp Đức Giêsu theo kiểu tiếp tân nào đây? Ông muốn xử sự cho đúng, nhưng ông không muốn chuốc lấy sự chống đối của người thân với ông. Nếu ông đem nước và khăn tới, nếu ông quỳ xuống rửa chân cho người khách đặc biệt này, điều đó có nghĩa là ông có cảm tình với Ngài, và có lẽ phần nào bị giáo thuyết của Ngài hấp dẫn. Simon đã chọn lựa, ông muốn tránh bị những người thân ông, gia đình ông, những người Pharisêu, và giới thẩm quyền ở Đền Thờ hiểu lầm. Tóm lại, ông đã để Ngài tự làm lấy tất cả, như thể Ngài là một gia nhân vậy.

      Rồi mọi người đều vào bàn, và khi mọi người bắt đầu dùng thì có một người lạ không được mời cũng tới: đó là cô Maria Mađalêna. Cô cũng ở làng Bêtania này. Cô rất đẹp, hấp dẫn, mọi cặp mắt đều hướng về cô.

      Simon tật phong khó chịu, ông sợ nàng làm vấy bùn vào cái danh giá của ông trước mặt Đức Giêsu, cô hàng xóm mà ông biết rõ này là một gái điếm.

      Nàng tiến tới chỗ Đức Giêsu, ngồi dưới chân Ngài. Simon ngạc nhiên về sự thân thiện này và mặc cho tưởng tượng của mình bay bổng. Ông tự nhủ: “Nếu ông Giêsu này là một người nhân đức, ông sẽ không chấp nhận được lối ăn ở của thiếu phụ này. Nếu ông là một tiên tri, ông phải nhận ra mối nguy hiểm có thể làm tổn thương danh dự của ông. Tất cả những gì người ta nói về ông – nào là đọc được tư tưởng, biết tận đáy tâm hồn người ta, nào là làm được những phép lạ kỳ diệu – đều sai cả sao?”.

      Sự nghi ngờ của ông gia tăng, và những gì bản thân ông khám phá được về Đức Giêsu đều trở nên thành tiêu cực.

      Đức Giêsu theo dõi sát nút sự chuyển biến tư tưởng của Simon, và làm tỏ bày con người ông.

      Đây là hai quan điểm đối kháng nhau, cả hai quan điểm đều đáng bênh vực và thường gặp trong xã hội. Ông Simon tự nhủ: nếu ông Giêsu quả đúng như người ta nói, ông sẽ phải xa tránh người phụ nữ này: “Thưa bà, tôi rất tiếc nhà này không phải là chỗ của bà, xin bà vui lòng đi chỗ khác, tôi không thích những việc tỏ tình cảm trước như thế, nên bà chỉ mất thời giờ thôi”.

      Nếu Ngài làm như thế, Simon sẽ vỗ tay tán thành vì ông nóng lòng đuổi cô gái phá đám này đi chỗ khác. Vả lại, cứ để tình trạng hỗn loạn này xảy ra sẽ đưa đến những chuyện không tốt đẹp. Một quả táo đã hư mà để chung trong một thùng táo thật tốt không vì thế mà trở lại tốt được, đúng hơn là nó sẽ làm cho những trái tốt bị lây nhiễm. Mọi người đều nhất trí nguyên tắc này: phải tự đề phòng cho mình. Vì thế, chỉ có một phương thuốc: bắt chị ta xa khỏi những người trong nhà ông.

      Simon biết ông phải làm gì: “Này Maria Mađalêna, cô không được phép ở đây!”. Người ta tự vệ bằng cách tạo nên những xa cách sinh ra lãnh đạm và quên lãng.

      Đó là triết lý của Simon: xem xét, làm để tự bảo vệ lấy mình. Tâm lý này rất phổ biến nơi những người đứng đắn, nó phát sinh từ một hình thức khôn ngoan tự nhiên.

      Đức Giêsu muốn làm cho Simon tiến bộ hơn. Đến lượt Ngài, Ngài nói những gì đang diễn ra trong lòng mình “Này Simon, khi tôi vào nhà ông, ông đã chẳng tiếp tôi như khách quý, như bạn thân tình, ông đã để chúng tôi, tôi và những người của tôi, phải tự lo rửa chân lấy, làm như chúng tôi là gia nhân trong nhà vậy. Ông sợ bị người ta hiểu lầm. Khi thấy người phụ nữ mà ông biết rõ này tới, ông còn sợ rằng tôi nghĩ xấu cho ông. Nỗi sợ bị người khác hiểu sai lạc về mình thôi thúc ông đuổi Maria Mađalêna đi. Toàn bộ tâm lý của ông huy động cơ chế phòng vệ, thực ra chỉ là để tránh cho ông khỏi mất thể diện và bảo vệ tiếng tốt cho ông thôi. Cái não trạng của ông chỉ quy về mình thôi, còn người khác thì tính sau”.

      Trong khi Đức Giêsu còn đang nói về Simon, thì kìa Maria Mađalêna quỳ gối xuống, đôi bàn tay ôm lấy chân Đức Giêsu, và bỗng nhiên, nàng oà lên khóc nức nở. Khi đụng đến Đức Giêsu, nàng có những dự định tội lỗi hay nàng muốn tìm sự hối cải? Động lực thúc đẩy nàng là gì không quan trọng, có một chuyện chắc chắn là: một thần lực từ con người Đức Giêsu toát ra khiến cho nàng hối cải ngay tức khắc, triệt để, biến đổi con người nàng, và có tính lâu bền.

      Tâm lý của Đức Giêsu, mà chúng ta gọi là tâm lý Kitô giáo, xây dựng trên ba tác động của đức khôn ngoan: xem, xét, làm, không phải để bảo vệ cho mình mà để giúp đỡ tha nhân. Thay vì để cho sợ hãi điều khiển, thì ta để cho lợi ích của tha nhân hướng dẫn ta.

      Trong thâm tâm, Simon tự nhủ: “Cút đi Maria Mađalêna, mày là hiểm hoạ chung cho mọi người, mày là con điếm”. Nhưng Đức Giêsu nói: “Lại đây và theo Ta, Maria Mađalêna, cô là con gái của Cha Ta. Hôm nay Ta đón tiếp cô...”, ngày mai thì sẽ đón tiếp Lêvi, người phụ nữ ngoại tình, người đàn bà Samaritanô, Zakêu, người trộm lành.

      Người ta thường có hai não trạng này:

      Não trạng của Simon thường có nơi những người Pharisêu và các luật sĩ, họ sợ Đức Giêsu, tìm cách bắt bẻ Ngài, tìm hiểu Ngài một cách thiên kiến, tìm kiếm những sơ hở của Ngài, và cuối cùng giết Ngài (x. Lc 7, 36-50).

      Trong bọn họ có một người khôn ngoan nhất nói: “Các người không thấy rằng thà chỉ một người chết cho những người khác bình an chẳng hơn sao?”, còn Đức Giêsu nói với mọi người không trừ ai: “Ta đến cứu vớt những gì đã hư mất, Ta đến vì những người đau yếu chứ không vì những người khoẻ mạnh, Ta đến để tìm những con chiên lạc” (Mc 2,17)

1 nhận xét:

  1. Đèn thiền khi khuyết khi đầy
    Khi say tạp niệm khi vầy chân kinh.
    Không gió lá vẫn buông vin
    Không mưa hoa vẫn thả mình khắp sân!
    Trần đời sỗng cõi bâng khuân
    Trái tim gắng nhịp trí thân bình thường !

    Trả lờiXóa