Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

HIỆN TẠI CHÍNH LÀ SỐNG


Người ta dễ dàng gặp khó khăn 
      khi tập trung tinh thần và nghị lực,
      ít khi họ bỏ giờ ra suy nghĩ,
      hay phân tích những gì họ phải sống,
      những gì họ sống trong một ngày.


Nếu chúng ta có dịp suy nghĩ,
      thì ta lại có nguy cơ nghĩ quá lâu,
      về quá khứ của mình,
      về những lầm lỗi ít nhiều có ý thức của mình,
      về những tai nạn gặp trên đường,
      khiến chúng ta bị thương tổn sâu xa.


Vì thế, quá khứ trở thành một nguồn suối ô nhiễm,
      không khả năng giải khát chúng ta.


Chúng ta đánh mất cái thú bị thách đố, mạo hiểm,
      thách thức ta thực hiện những sáng kiến mới.
      Những sợ hãi khiến chúng ta sinh ra ảo giác,
      và dập tắt trong ta
      ánh sáng, hăng hái, lạc quan,
      khiến chúng ta không còn tích cực.
      Nghĩa là vào một giây phút nào đó
      chúng ta cố tình hoặc vô tình
      bác bỏ những khả năng thực sự của nội tâm mình.

Cái tai hoạ để cho mình
      bị quá khứ bám chặt hay ám ảnh,
      đó chính là chúng ta quên mất
      tính năng động và tính hiện thực
      của giây phút hiện tại.


Sống quá khứ, chính là:
      hoặc mơ mộng,
      hoặc bị sa lầy trong những nỗi đắng cay,
            trong tình trạng bị vỡ mộng,
      hoặc coi quá khứ
            như một thời vinh quang
            có khả năng thay đổi hiện tại
            trong niềm tự mãn ngây ngô, đờ đẫn,
      khiến ta không còn ý niệm hay tư tưởng vượt thắng,
      để nhắm những mục đích xa hơn, hay hơn.


Cố gắng sống giây phút hiện tại
      đòi hỏi một cố gắng tích cực,
      nghiêm chỉnh và liên tục.
      Thật là khó, nhưng không phải là không thể thực hiện.


Chắc chắn rằng, bất kỳ ai lục soát quá khứ của mình
      sẽ gặp nhiều đau khổ hiểu lầm,
      nhiều dư vị đắng cay.


Cần phải tránh việc nhắc đi nhắc lại hoài,
      hay phân tích những gì gây đau khổ,
      những vết thương chưa hàn gắn.


Cũng cần phải tránh vinh quang đã đạt được,
      sự tự mãn về những thành công nhất thời,
      đó là những yếu tố gây tê liệt.


Nếu ta hãnh diện về mình,
      nếu khi ta nghe người khác nói,
      ta chỉ thấy đó là dịp để nói
      về quá khứ vinh quang hiển hách của ta,
      ta sẽ làm khô cạn đi mọi tư tưởng thăng tiến,
      sẽ bám cứng vào một tình trạng tịch tĩnh,
      mà theo thời gian sẽ làm mệt mỏi
      những người chung quanh ta.


Quá khứ có thể gây ra hai hậu quả tai hại:
      một là dẫn ta đến suy sụp tinh thần,
      hai là khiến ta huênh hoang tự phụ.


Đó là hai trạng thái cực đoan
      cùng tạo ra một hậu quả duy nhất
      là làm ta quên bẵng giây phút hiện tại.


Hãy dừng lại đừng hành khổ mình nữa
      vì những kỷ niệm đau buồn trong quá khứ.
      Cần phải loại đi khỏi tiềm thức,
      khỏi trí tưởng tượng, khỏi ký ức,
      những dữ kiện đã từng gây tổn thương,
      và những người hay nói xấu, vu oan,
      những lạnh nhạt, xa cách,
      lãnh đạm và cứng ngắc.


Chỉ cần nghe tên họ
      đủ khiến ta ngao ngán, nổi sùng.
      Ta cảm thấy bị tấn công, bị phá hoại,
      tất cả những gì xấu xa trong quan hệ này
      đều hiện ra bề mặt, làm ta chán ngấy,
      làm chướng tai gai mắt, làm suy sụp tinh thần,
      khơi dậy những tâm tình bất nhẫn và tức giận.


Những phản ứng này cho ta thấy:
      ta chưa giải quyết được quá khứ,
      tình yêu ta chưa thắng được hận thù,
      Thiên Chúa chưa tác động mạnh mẽ được
      vì ta chưa cậy trông Ngài cho đủ.


Người ta nói quá nhiều
      về những chuyện đáng tiếc khó chịu.


Người ta chưa thành công làm trống rỗng lòng mình,
      và bám vào tảng đá vững chắc trong bản thân mình.


Khi chúng ta tập được thói quen
      tự cười nhạo chính mình,
      không bao giờ làm vẻ quan trọng,
      và thường xác tín rằng
            mình là xác thịt, mỏng giòn, giới hạn,
            dây thần kinh dễ bị tổn thương,
            hệ thần kinh không đủ sức chịu đựng,
      lúc đó ta mới cảm thấy mình
            thanh thoát nhẹ nhõm hơn,
            trầm tĩnh bình thản hơn.
Chúng ta sẽ sống trong bình an và vui sống.


Cái ngày chúng ta có đủ nghị lực
      để chấp nhận và nhìn ra sai trái của mình,
      để xin lỗi, để khiêm hạ,
      lúc đó quá khứ sẽ không còn tác hại,
      chúng ta có thể thường xuyên quay về với quá khứ,
      như giai đoạn đầu của cuộc hối cải,
            của sự trưởng thành,
      như cửa ngõ dẫn vào một đời sống triển nở.

Bởi vì Thiên Chúa đã ban cho ta tự do ý chí,
      và khả năng chọn lựa,
      nên chúng ta là những kẻ điều hành
      những ý tưởng, ước muốn, hành động,
      những tâm tình, những thành kiến của ta.


Hãy nhận ra rằng sự điều hành tự do này
      có biết bao khó khăn trắc trở
      vì những yếu đuối, những giới hạn của ta,
      nhưng dù sao chúng ta cũng còn là
      những con người được kêu gọi
      phải vượt qua, phải chịu thách đố,
      và ngày nào chúng ta cũng phải
      tiếp tục lại, tiếp tục lại nữa.


Chúng ta sẽ không bao giờ trở nên
      quân bình như Thiên Chúa nhân lành,
      nhưng có nhiều thứ bậc quân bình,
      nhiều cố gắng phải làm để trở nên tốt hơn.


Yếu đuối không có nghĩa là
      chấp nhận bị chèn ép, bị đánh bại
      vì thiếu nghị lực và can đảm.


Những đau khổ cũng như những sỉ nhục,
      đều là những dụng cụ để rèn luyện nhân cách,
      để khai thông cho những người lười biếng,
      những người chuyên làm việc kiểu tài tử.


Đau khổ không giết hại ai,
      nhưng đem lại cho nhiều người
      cái thứ để sống, để lượng sức mình,
      để trở nên những người có giá trị.


Chúng ta biết rằng chúng ta là những sinh vật
      có cảm giác, có lý trí,
      chúng ta có thể dễ bị giập nát,
      những cái yếu đuối nhất
      cũng có thể làm hại chúng ta,
      có thể thay đổi nhịp sống của chúng ta,
      nhưng đó có phải là những lý do
      để chúng ta bó tay, rút lui, hay giải nhiệm?


Vấn đề không phải là nhắm tới
      những đỉnh cao ảo tưởng,
      nhưng là mỗi giây phút hiện tại
      theo đuổi một cố gắng có ý thức,
      quả quyết và liên tục.


Con người có đầy những ngạc nhiên,
      y có thể yếu đuối một cách thảm thương
      khiến cho y đi đến những tội ác dã man nhất,
      cũng như con người có thể
            thực hiện những việc kỳ diệu,
            tạo ra sự bình an vững bền và lây lan khắp nơi,
            gieo niềm vui làm cho người khác an tâm và tự tin.


Con người được dựng nên theo hình ảnh Chúa
      để có thể tiếp nối công trình sáng tạo
      bằng cách phát minh ra vô số vật
      kỳ diệu và không thể nghĩ bàn.


Người nào ý thức được quyền năng tích cực trong mình,
      sẽ hiểu được những mầu nhiệm của vạn vật,
      sẽ rút ra từ đó những phát kiến lạ lùng,
      với nhịp độ hầu như chóng mặt
      trong mọi lãnh vực.


Ngày nay, con người có thể lên mặt trăng,
      bay lượn trong không gian,
      băng qua các hành tinh,
      làm những phim hoạt hoạ
      diễn tả những siêu nhân,
      có thể dùng điện tử
      để khám phá những bí mật
      được gìn giữ kỹ lưỡng nhất,
      họ còn đùa giỡn với tốc độ
      đã vượt khỏi tốc độ âm thanh.


Một em bé năm tuổi thời nay
      có thể tưởng tượng ra
      những ảo ảnh thích hợp với thế kỷ 20,
      mà các vị tổ tiên
      không thể nào ngờ tới.


Tuy nhiên vấn đề cứ còn hoài.

Chúng ta càng văn minh tiến bộ
      thì sự ô nhiễm càng lan rộng,
      thế giới bị đe doạ,
      các nhà cầm quyền làm không hết việc,
      các công đoàn, nghiệp đoàn khiếu nại
      không bao giờ được thoả mãn.


Người ta không còn cái gì vững chắc
      để có thể nương tựa, trông cậy vào nữa.


Mỗi người đều phải trở về với chính mình,
      tiến vào chiều sâu nội tâm mình,
      tìm một tảng đá vững chắc trong nội tâm mình,
      nhìn nhận rằng mình được tạo dựng
      theo hình ảnh của Thiên Chúa,
      nên phải chấp nhận tuỳ thuộc vào Thiên Chúa,
      là Đấng chỉ có trong đầu một ý niệm
      làm sao dẫn chúng ta vào vương quốc của Ngài,
      tham dự sự quân bình của Ngài,
      bằng cách xui khiến ta
      hôm nay gặp Ngài
      ngay giây phút hiện tại này.


Gợi ý:

Giây phút hiện tại,
      chính là hạt cải
      làm nẩy sinh đời sống tâm linh.

Nó có đặc điểm
      đặt chân chúng ta vào mảnh đất của thực tế,
      và đầu chúng ta vào cảnh trời cao rộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét